Tuy nhiên, từ khoảng tháng 10 đến tháng 2 năm sau, nhất là thời điểm hiện nay, khi bắt đầu bước vào tháng 11 dương lịch là mùa gió bấc, nên thủy triều chảy mạnh, kéo theo cát từ các bãi biển. Một số người dân, du khách hàng ngày tắm biển tại đây phản ánh, bãi cát bị cuốn trôi, để lại lớp đá chi chít, nhọn, thậm chí có bê tông sắt thép thi công kè trước đây “trồi” lên khiến không ít người tắm biển bị cắt chân, chảy máu, rất lo ngại.
Chị Trần Thị Nga – một người dân sống tại Phan Thiết cho biết: Tôi thường xuyên xuống bãi biển Đồi Dương đắp cát sau đó mới tắm. Nhưng vào mùa này, bãi cát bị thủy triều cuốn, trơ trọi toàn đá. Khi thủy triều lên, du khách tắm biển thường bị đá nhọn cắt chân chảy máu. Còn anh Nguyễn Văn Mạnh, một trong số những người thường xuyên tắm biển sáng sớm tại đây cho biết thêm, nhiều người đã bị vật nhọn cứa đứt chân khi xuống tắm biển. Riêng anh Mạnh chia sẻ, cách giảm bớt nguy cơ bị thương tích là bơi nhẹ nhàng ngay khi chạm nước, không đặt trọng lực chân xuống bãi đá…
Trước thực tế trên, theo Ban Quản lý Khu du lịch Đồi Dương - Tiến Thành, tình trạng “trồi” đá này sẽ kéo dài khoảng hơn nửa tháng nữa, cho tới khi cát được bồi trở lại. Hiện nay, để hạn chế nguy cơ thương tích khi tắm biển, Ban cảnh báo người dân, du khách đi theo các bậc tam cấp ở bãi tắm để xuống biển.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, đơn vị vẫn tăng cường các biện pháp như cắm bảng, cờ cảnh báo, thông báo về những vùng nước nguy hiểm để người dân và du khách biết. Đồng thời, bố trí các dụng cụ cứu hộ tại các bãi tắm công cộng, cử nhân viên có nghiệp vụ chuyên môn trực cứu hộ trong suốt thời gian có người dân, du khách tắm biển.
Được biết, vào thời điểm này năm ngoái, tại khu vực bãi biển Đồi Dương – Thương Chánh xảy ra sóng lớn đánh mạnh vào bờ liên tục. Hậu quả làm gãy, đổ hoàn toàn phần đỉnh kè trong lối đi bộ Công viên Đồi Dương khoảng 30 mét, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 450 triệu đồng.