Lại bắt đầu bằng cái nhìn tinh anh và cách nói nửa nghiêm nửa hóm của cụ tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký: Quê em có gì nhiều? “Dạ quê con chó ăn đá, gà ăn muối”. “Hay đó! Cứ đi tận cùng những thứ liên quan đến đá và muối!”. Đó là lời khuyên mà tôi nghĩ là chân tình của bậc thức giả có để tâm đến em cháu hậu sinh. Hai mươi năm tôi đã thực hiện lời khuyên ấy, quan sát, tìm hiểu, yêu mê và viết. Một trăm truyện ngắn thật ra không nhiều, nhưng tôi đã học được bài học lớn là đi tận cùng một thứ gì đó, ta sẽ nhận ra chính mình trong bóng dáng mong manh, trong lạnh lẽo sần sùi, trong nóng ran nhiệt huyết và trong hơi thở tơ nhẹ của vạn vật, hiện tượng. Xin kể câu chuyện, cũng là vui thôi, nhưng việc nhận ra đó đã làm thay đổi tôi rất nhiều.
…Mất ngủ. Trị miết không được. Trị khắp nơi không bớt. Về Tân Hải quê nhà lại ngủ ngon ngủ lành, giấc ngủ sâu như người được ngả lưng buông bỏ tất cả sau hơn nửa thế kỷ thèm ngủ. Mãi lâu sau, tôi mới phát hiện là bởi tiếng nhật triều chớ không phải do bệnh tình gì. Nếu nằm gần mặt đất, lắng, thật lắng trong đêm khuya, ta sẽ nghe được nhịp điệu thủy triều, âm thanh rền động nhưng ở tầng thấp kiểu như sóng hạ âm. Nhịp sóng hạ âm được tạo bởi nhật triều ấy ì oạp mải miết, truyền lan không ngơi nghỉ vào bờ bãi, vào đất liền một nhịp điệu võng đưa ru giấc. Người nào được sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, nhịp sóng hạ âm ấy sẽ tác động đều đặn đến nhịp sinh học tạo thành thói quen của cơ thể, của tâm hồn và của cả linh hồn. Nhịp hải hà chẳng phải cao xa diệu vợi gì đâu, nó ở ngay bên trong chúng ta, đó là nhịp quê hương đã “ăn vào máu” chúng ta một cách tự nhiên, vấn đề là ở tuổi nào, ở khúc đoạn nào của đời người thì mới đủ tĩnh lặng để nhận ra.
Nghĩ được như vậy, tôi lại nghĩ tiếp: Điều quan trọng nhất của thế giới này là năng lượng chứ không phải hình thể, mọi thứ mà ta thấy được bằng mắt chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Trong việc tạo sinh ra con người cũng vậy, là năng lượng, là hồn vía, là thần thái, là tư duy, là cảm xúc, là ấm lạnh, là ý chí… Vậy đó mà ta sống, ta cảm giác về cuộc đời, rất nhiều thứ vô hình lại chi phối ta nhiều hơn cả.
Và đêm cuối hạ này, tôi lại nghe tiếng nhật triều bất thường lên xuống trong ngày, tất nhiên giờ đây tiếng nhật triều đến với tôi một cách tự nhiên, tôi không phải như chú cọp lớn nằm áp tai sát đất để nghe tiếng bước chân con mồi, không cần lắng, không cần cố, tôi nghe nó như nghe một phần cơ thể mình, tâm hồn mình. Thiệt gần gũi mà cũng thiệt mơ hồ! Thiệt máu thịt mà cũng thiệt dửng dưng! Thiệt thanh âm mà cũng thiệt im yên! Nó ấn tượng như cái phút mà ta thấy được khuôn mặt người quá cố rạng giãn một nụ cười hiền lành, nụ cười nhận chân thật thế giới mà ta đang sống, đã sống. Nó ấn tượng như bước chân vang vọng ấu thơ của ta mỗi khi ào vào lòng mẹ. Nó ấn tượng như cơn run rẩy yêu thương không nói được bằng lời… Tôi đã nghe như đã mộc mạc nhận ra nguồn năng lượng bên trong mình đang vơi dần đi. Sự hao hụt thanh xuân để có được trăm truyện ngắn như hôm nay, để được niềm thương yêu quý mến của bạn bè, của bạn đọc cả nước, ấy cũng là cái giá đáng để người ta chọn lựa; cũng chẳng để làm gì nhưng cái tình đã được trao ban, một trăm truyện ngắn như một trăm lời nũng nịu thương lắm giận nhiều, kỳ vọng rồi thất vọng, ngợi ca và mai mỉa, môi hôn và rắn rít oán thù…
Thoắt cái mà đã trải lòng ngược xuôi hai mươi năm. Đêm cuối hạ này, nằm nghe tiếng nhật triều đang hòa điệu với nỗi lòng vô ngôn, lại cười, lại mỉm cười, như vừa nhận ra điều gì đó, điều ấy khiến khuôn mặt một nhà văn già như tôi chỉ còn lại những hòa nhan ái ngữ, ít ra tôi đã nghĩ và muốn như vậy. Vén bức màn sớm quá! Tôi tuyệt nhiên thản nhiên, không còn cố chấp hạn kỳ như xưa! Vậy thôi, công việc văn chương vốn mộc mạc, nhẹ nhàng như muôn ngàn công việc khác trên đời, chỉ người văn là luôn vướng víu trong những sợi tơ lòng, vướng víu trong những lời đường mật của cõi cao xanh.