Tiếp đó, Ấn Độ cũng vừa lên kế hoạch trồng 50.000 ha thanh long trong 5 năm tới (từ 3.000 ha hiện nay) nhằm tăng sản lượng, giảm nhập khẩu. Nông dân nhiều bang ở Ấn Độ đang phát triển nhanh cây thanh long (với tên gọi Kamalam theo tiếng Phạn ở Ấn Độ), do lợi nhuận cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhu cầu nước tương đối thấp, phát triển được trong điều kiện khô cằn, hạn hán.
Trung Quốc là thị trường truyền thống, còn Ấn Độ là thị trường tiềm năng của thanh long Việt Nam đang hướng tới. Những thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam về hai thị trường tỷ dân này, khiến nhiều người lo ngại xuất khẩu thanh long của Việt Nam bị chững lại, thậm chí gặp khó khăn hơn trước (thanh long là một mặt hàng tỷ đô của nông nghiệp Việt Nam).
Từ Tết Nguyên đán Quý Mão tới giờ, thanh long nghịch vụ đang được giá, nhưng sẽ được bao lâu, khi sắp tới thu hoạch chính vụ, sản lượng tăng vọt?
Bình Thuận là “vương quốc thanh long” của Việt Nam (chiếm 1/2 diện tích và sản lượng). Sau hai năm lao đao vì Covid-19, bế tắc đầu ra (diện tích thanh long đã giảm khoảng 5.000 ha), nay bà con nông dân đang hy vọng thị trường tiêu thụ thanh long ổn định trở lại.
Thị trường làm chủ sản xuất. Để tránh “khủng hoảng thừa”, lẩn quẩn “trồng - chặt”, cần kịp thời điều chỉnh sản xuất, khuyến cáo nông dân, HTX, doanh nghiệp không mở rộng diện tích thanh long, mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về VSATTP và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu được vào nhiều thị trường, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo một số thương nhân chuyên buôn bán thanh long, trái thanh long của Trung Quốc hay Ấn Độ không ngon và ngọt bằng thanh long Việt Nam, do thanh long Việt Nam được trồng ở vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp. Các chuyên gia dự báo thanh long Việt Nam vẫn có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường tỷ dân này, nhờ chất lượng vượt trội. Dự báo nhu cầu thanh long của thế giới sẽ tăng trưởng, do những lợi ích về sức khỏe mà trái thanh long mang lại.