Thay đổi phương thức canh tác cũ
Một trong số hộ dân có tâm huyết, tích cực với việc trồng rau thủy canh tại thị xã La Gi là anh Lê Kim Tú, chủ cơ sở chuyên sản xuất rau an toàn tại khu phố 7, phường Tân An. Từ năm 2020, gia đình anh tận dụng 1,3 sào đất vườn nhà, bắt tay đầu tư trồng rau thủy canh, gồm hệ thống nhà màng, hệ thống nước, ống thủy canh, ươm cây con… Đây là hướng sản xuất rau theo công nghệ vòng tuần hoàn dinh dưỡng vi sinh có lợi cho sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, các loại rau ăn lá như cải thìa, bó xôi, xà lách, cải ngọt, cải xoắn, dền, tần ô… được trồng cuốn chiếu để đảm bảo rau cung cấp hàng ngày luôn được tươi ngon.
Tính từ lúc lên giàn tối thiểu 20 ngày là có thể thu hoạch, mỗi ngày vườn rau của gia đình bán được khoảng 80 kg, có giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Thời gian đầu anh Tú cung cấp rau nhỏ lẻ đến người tiêu dùng, hiện nay đã có mối chợ và siêu thị tại La Gi, cửa hàng nên đa phần thu hoạch rau ngày nào đều hết ngày đó, có khi không đủ để cung cấp…
Theo UBND thị xã La Gi, địa phương có diện tích gieo trồng rau các loại trên 300 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước, Bình Tân… Đây là những vùng sản xuất nhiều chủng loại gồm rau ăn lá, rau ăn quả, rau gia vị cung cấp thị trường. Đáng chú ý, trong những năm qua, hệ thống khuyến nông ở thị xã đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị, xã phường liên quan thực hiện chương trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Hiệu quả mô hình trồng rau theo quy trình an toàn tại các xã có lợi nhuận cao hơn so với rau sản xuất thường từ 1,2 – 1,5 lần.
Khi tham gia tổ liên kết, các hộ nông dân đã hiểu biết nhiều các ứng dụng kỹ thuật mới, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thay đổi phương thức canh tác cũ, tạo ra những cây rau sạch đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Qua đó cho thấy, thực hiện mô hình rau an toàn tại các địa phương đã định hướng cho một số bộ phận nông dân nhận thức đúng tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Gắn kết trách nhiệm về chất lượng sản phẩm
Dù ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, xây dựng nhiều mô hình để định hướng nông dân sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất rau trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã La Gi vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Đó là chất lượng rau an toàn khi phân tích vẫn còn dư lượng nitrate, thuốc trừ sâu và các vi sinh vật gây hại. Bên cạnh, tình trạng sản xuất trong nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, nhận thức và ý thức trách nhiệm của không ít người sản xuất về rau an toàn chưa cao.
Ở một khía cạnh khác, sản xuất rau an toàn chưa được người dân áp dụng trên đại trà, nên chưa hình thành thị trường tiêu thụ rau an toàn riêng biệt. Sản phẩm rau an toàn vẫn được tiêu thụ cùng với các loại rau khác, do rau an toàn chưa được xử lý đầy đủ các khâu sơ chế, đóng gói và in mã vạch theo đúng quy định nên khi bày bán trên thị trường chưa có khác biệt so với các sản phẩm rau thông thường…
Từ những khó khăn này, một trong các giải pháp được UBND thị xã La Gi đưa ra đó là gắn kết trách nhiệm của người sản xuất và thương nhân tiêu thụ. Có như vậy mới xây dựng được kế hoạch sản xuất, quy mô sản xuất từng loại rau, từng mùa vụ, quản lý được việc sản xuất rau theo quy trình kỹ thuật. Song song, cần đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh khác nhau để người tiêu dùng thấy được việc sử dụng rau an toàn, rau được chứng nhận GAP là sự lựa chọn thông minh. Cùng với đó, phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn với nhiều kênh phân phối đa dạng, gắn với chứng nhận theo VietGAP phải có bao bì nhãn mác, đóng gói theo quy định và địa chỉ rõ để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn… Những nỗ lực này, rất cần sự bắt tay đầy trách nhiệm của nhiều phía, trong đó có người sản xuất và thương nhân tiêu thụ sản phẩm.