Dù xây dựng trong hoàn cảnh dịch bệnh nhưng cuối cùng, đến tháng 10, thời điểm gần cuối mùa mưa, các hạng mục cơ bản cho tích nước đã hoàn thành. Sau khi nâng cấp, hồ Sông Quao đã tích cột nước tăng thêm 1 m nước nữa so với lúc trước, tương ứng tăng thêm 7 triệu m3 nước, góp phần nâng dung tích có được như trên.
Còn hồ Sông Lũy ở Bắc Bình, đến thời điểm này đã tích được hơn 40 triệu m3 nước, sau khi tạo ra sự ổn định diện tích sản xuất 3 mùa vụ tại Bắc Bình với hơn 30.500 ha, tăng hơn 7.000 ha so năm 2020. Không còn cảnh phải cắt giảm diện tích, vì thiếu nước tưới và việc chuyển nước từ Bắc Bình về Hàm Thuận Bắc qua tuyến kênh 812 – Châu Tá nhịp nhàng hơn vì có lượng nước dồi dào, trong năm 2021, hồ Sông Lũy đã góp phần quyết định nâng diện tích sản xuất của 2 địa phương này lên 58.679 ha, trong khi năm 2020 dừng ở 45.521 ha.
Ngoại trừ hồ Sông Lũy do mới đi vào vận hành được 1 năm nên chưa phát huy tưới hết năng lực thiết kế. 48 hồ chứa lớn, nhỏ khác trên địa bàn tỉnh có năng lực tưới trung bình đạt 100,2% tổng năng lực thiết kế, dù xét cụ thể vẫn còn một số hồ có năng lực tưới thấp, vì hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh. Và bên cạnh cũng có một số hồ chứa như hồ Cẩm Hang, có năng lực tưới cao nhất đến 350% so năng lực thiết kế. Để có kết quả tưới như trên là nhờ cách quản lý, khai thác nguồn nước của công ty.
Theo ông Nguyễn Hữu Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, để tăng diện tích tưới, công ty đã quản lý nguồn nước, điều phối hợp lý nguồn nước xả sau nhà máy thủy điện, có biện pháp trữ nước vào các công trình thủy lợi. Bên cạnh, xây dựng kế hoạch, phân phiên lịch cấp nước cho từng tuyến kênh; áp dụng phương pháp cấp nước tưới luân phiên, phối hợp tổ thủy nông điều tiết nước tưới tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời tu sửa công trình, cống lấy nước, trạm bơm tưới, nạo vét thông thoáng các hệ thống kênh mương nhằm hạn chế thấp nhất tỷ tệ thất thoát nước.
Nhờ vậy, chỉ so năm ngoái đã thấy sự tăng trưởng diện tích tưới lẫn sản lượng cấp nước thô của công ty. Với năm 2021, năm mà dịch bệnh hoành hành nhưng thời tiết thuận lợi, công ty đã tận dụng điều đó, góp phần tạo ra gần 842.000 tấn lương thực cho tỉnh. Hiện tại, tổng nguồn nước các hồ chứa đã tích đến 1.057,4 triệu m3, tăng 182,7 triệu m3 so với cùng kỳ sẽ tiếp tục đơm hy vọng cho mùa sau.
Nếu năm 2020, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận tưới được 102.323 ha lúa, màu, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản thì năm 2021 đã lên 113.050 ha. Cùng thời gian trên, cấp nước thô cũng tăng từ 38,80 triệu m3 lên 39,50 triệu m3. Theo đó, doanh thu tăng từ 183,8 tỷ đồng của năm 2020 lên hơn 209,7 tỷ đồng trong năm 2021.