Theo dõi trên

Tìm về địa danh chợ Tôn

07/10/2022, 05:36

Con đường đất bụi ngày xưa, nằm cách Phan Thiết khoảng 1,5km nối vào đường tỉnh lộ 8, Phan Thiết - Di Linh (Tuyên Đức - Lâm Đồng ). Rẽ về hướng tây đến ngã ba Phú Bình đi Hàm Liêm thì hơi nghiêng về bên trái, đi tiếp mãi đến tận Ga Phú Hội thuộc xã Hàm Hiệp.

Con đường đã đi xuyên qua các địa danh đầu tiên nối vào tỉnh lộ 8 là ngã ba Bảy Xiểm thuộc làng Tường Phong, đi tiếp đến ngã ba chợ Tôn là làng Đại Nẫm, sau đó nối tiếp với làng Đại Thiện và điểm dừng là bến Ga xe lửa Phú Hội thuộc xã Hàm Hiệp.

dsc_2545.jpg
Khu vực chợ Tôn thôn đại thiện 2. Ảnh: Đ.Hòa

Chợ Tôn Phong Nẫm ngày nay nằm trên ngã ba tiếp giáp hai làng Đại Nẫm và Đại Thiện (nay thuộc thôn Xuân Phú, Phong Nẫm và thôn Đại Thiện, Hàm Hiệp). Nơi điểm giao nhau này, có một ngã ba đi thẳng vào đình làng, nhà việc và trường học của làng Đại Nẫm xưa. Trước và sau năm 1945, làng dùng nhà việc này để hội họp tổ chức và huy động nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp, với danh nghĩa bên ngoài là đình làng và trường học. Đình làng là nơi hội họp để bàn chuyện cúng tế hàng năm, nhưng thực tế lại là nơi bàn chuyện quốc sự để chống Pháp. Còn trường học hàng ngày vẫn dạy đủ 5 lớp tiểu học cho học trò nhỏ của hai làng, nhưng cũng là nơi dung thân của các thầy giáo có chí, từ các nơi khác đến tá túc, mang theo tin tức cùng những tư tưởng mới đến phổ biến cho dân làng được biết về chính trị, thời sự cập nhật.

Từ năm 1945 - 1954, sau Cách mạng Tháng 8 thành công. Quân Pháp quay trở lại miền Nam, ra sức củng cố binh lực đánh chiếm các vùng phụ cận Phan Thiết, trong đó có làng Tường Phong, Đại Nẫm, Đại Thiện. Tại phía dưới ngã ba chợ Tôn hiện nay, nơi cũng có một ngã ba nối chợ Tôn chạy về chùa Cây Thị, nằm giữa đường ray xe lửa và con suối lạng chảy từ Phú Hội về. Khi tiến quân lên vùng này, quân Pháp thấy địa thế rậm rạp, nhiều cây rừng và tre gai mọc đầy khắp làng và dọc theo các suối, rất khó quan sát. Bọn chúng đã cho thiết lập một tháp canh bằng gỗ trụ lớn 4 chân, cao gần 10m, trên có mái, có gác cho người đứng canh quan sát. Dưới có cầu thang đi lên và ngay chân tháp có một khu vực dành riêng cho đám lính canh ngày đêm ở trên cao. Do chỗ có đông người nên dân làng đã tụ tập quanh cái ngã ba dưới chân cái tháp canh này để họp chợ, buôn bán trao đổi hàng hóa, còn bên ta thì trà trộn theo dõi nắm tin tức, tình hình. Nông sản tại địa phương cùng hải sản và các mặt hàng thiết yếu từ dưới Phan Thiết đưa lên để phục vụ cả dân và lính.

Tháp canh được gọi là tôn gác (đọc trại theo tiếng Pháp là: Tonne de tours de guet). Tôn gác đó và khu chợ chung quanh đã được gọi chết tên chợ Tôn. Chợ cũ này nằm trên trục đường ngày nay là ngã ba đường Đặng Văn Lãnh và Phạm Thị Ngư. Còn chợ Tôn mới thì nằm ở ngã ba tiếp giáp làng Đại Thiện như đã nói ở trên, cách nơi chợ cũ khoảng 100m và vẫn mang tên chợ Tôn. Thời đó, ban đêm du kích hay về đánh quấy rối và phục kích ban ngày để tiêu hao địch, ngăn không cho chúng tự do hành quân đánh phá lên vùng cách mạng, cùng với việc tuyên truyền cho nhân dân biết âm mưu của địch và không hợp tác với quân thù. Tất cả mọi chuyện biến động xảy ra tại làng Đại Nẫm đều nằm xoay chung quanh đình và trường học của làng, nên bọn hội tề thân Pháp cho nơi đó là đầu não tổ chức, nên bọn chúng chủ trương triệt phá. Đầu tiên là ngôi trường, sau đến nhà việc và cuối cùng chúng đặt mìn đánh sập luôn đình làng. Riêng cái tôn tháp canh cao vút thì vẫn án ngữ nơi ngã ba để uy hiếp và trấn áp nhân dân.

Đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đất nước lập lại hòa bình, nhưng ở miền Nam bọn giặc đã không chịu thực hiện theo hiệp định mà liên tay với Pháp chuyển giao miền nam cho Mỹ. Đưa Ngô Đình Diệm về truất phế vua Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu dân ý, kết thúc trò chơi bằng cuộc bầu cử đưa Ngô Đình Diệm chính thức thành Tổng thống vào tháng 10/1955. Sau khi tuyên bố không thi hành hiệp định Giơnevơ và được Mỹ cam kết ủng hộ, bọn bè lũ tay sai bắt đầu giương cao ngọn cờ chống cộng. Triệt hạ những người kháng chiến cũ, những gia đình có người quan hệ với kháng chiến và nhà có người đi tập kết ra Bắc. Nhằm tách dân ra khỏi cách mạng, năm 1961 giặc đã thực hiện quốc sách ấp chiến lược, đưa dân vào sống tập trung trong vòng đai rào bằng tre hai lớp, có đào hào và cắm chông tre, chông sắt. Vòng đai này kéo dài liên hoàn từ Phú Hội đi cặp bờ ranh các làng Đại Thiện, Đại Nẫm về đến Cây Xay (cây số 3, tỉnh lộ 8, xã Tân Phú Xuân). Lúc này tháp canh và chợ Tôn còn nằm trong vành đai ấp chiến lược cho đến năm 1965, khi Mỹ chính thức đổ quân vào Việt Nam, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt hơn thì bọn địch một lần nữa cho gom dân vào các ấp chung cư tập trung. Như Đại Thiện vào chung cư ấp Phú Hội, Đại Nẫm vào chung cư ấp Đại Hòa, Tường Phong vào chung cư ấp Xuân Phong. Từ đây tôn gác ở ngã ba không còn đồn binh đóng chặn và cả chợ họp nơi ngã ba cũng không còn. Mãi cho đến năm Mậu Thân 1968, tôn gác chính thức bị triệt phá.

Chợ Tôn chính thức được tái lập sau năm 1975, nhưng không còn ở nơi vị trí cũ nữa, mà được dời lên địa điểm ngã ba giáp với Đại Thiện và nằm ngay trước mặt đình làng cùng trường học cũ. Chợ ban đầu họp nhỏ, chỉ ở ven đường lên xuống, sau do dân về quê làm ruộng, làm nông ngày một nhiều, làng xã phát triển mạnh thêm ra. Nên nhu cầu có chợ lớn hơn để mua bán trao đổi hàng hóa là rất cần thiết. Một người dân trong làng đã cho mượn một phần đất vườn ở ngay ngã ba để mở thành chợ lớn, và từ đó tên chợ Tôn chính thức được gọi tên như chợ cũ mãi đến tận bây giờ. Phần đất vườn được dùng họp chợ là của một người dân sinh ra và lớn lên tại làng Đại Nẫm, làm nghề thuốc nam và làm thầy cúng. Tên thường gọi của ông là ông Ba Rựa, sinh năm 1921, mất vào năm 2006. Sinh thời ông chuyên về làm thuốc nam trị bệnh cho dân, cứu giúp cho đời và đi cúng đám. Tương truyền ông có một biệt tài là nhớ và biết rất rõ tất cả ngày giỗ cúng của các hộ gia đình trong làng, và ông luôn có mặt đúng ngày, đúng giờ. Hỏi ông về việc này, ông chỉ cười và trả lời là nhờ người trên đêm về báo trước cho ông. Thật ra chắc là ông có bộ nhớ tốt mà thôi.

Chợ Tôn bây giờ vẫn còn nơi chỗ cũ, khang trang và sạch đẹp hơn, đường làng ngày xưa giờ đã tráng nhựa hoặc đã đổ bê tông. Quanh cái ngã ba giáp ranh đó, chợ đã được mở ra lớn hơn trên cái phần đất do cháu ruột ông Ba Rựa quản lý, các quầy hàng đã được xây dựng, mặt bằng chợ được tráng xi măng, lót gạch sạch sẽ. Các hộ gia đình có mặt bằng chung quanh 3 mặt đường tiếp giáp với chợ, đều có mở quán bán buôn đủ các mặt hàng nên chợ càng ngày càng lớn. Ngày trước chợ chỉ họp buổi sáng, bây giờ chợ Tôn dập dìu mãi đến đêm, cuộc sống của người dân đầy đủ và vui vẻ hơn nhiều. Chợ Tôn sẽ còn mãi theo nhu cầu của người dân. Viết vài chữ góp thêm vào để hiểu thêm về cái tên chợ đã có từ trước.

NGUYỄN DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Hồn cát" trong chân dung của Dũng "cụt"
Đang là một chàng trai lành lặn, tai nạn đã lấy đi đôi chân của chàng trai 18 tuổi. Dũng muốn từ giã cõi đời, muốn khép lại cuộc sống quá khó khăn. Nhưng, 6 năm sau Dũng đã là người thợ lành nghề, là giọng hát hay đang từng ngày vun đắp cho ước mơ được truyền nghề cho những bạn kém may mắn như mình…
Nổi bật
Xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp
BTO-Sáng nay 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan tham dự.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về địa danh chợ Tôn