Nhiều hồ chứa hụt nguồn nước
Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh thời tiết không thuận lợi. Nổi rõ nhất là khu vực phía Nam có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Dù đã đến cuối mùa mưa, nhưng các hồ chứa nước thủy lợi vẫn không đầy nước. Đến giữa tháng 12/2020, tổng lượng nước hữu ích tích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi ở mức thấp, đặc biệt ở khu vực huyện Hàm Thuận Nam, lượng nước còn thấp hơn năm hạn 2016.
Ông Nguyễn Hữu Huệ - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cho biết các hồ chứa thủy lợi ở phía Bắc tỉnh như Phan Dũng, Lòng Sông, Đá Bạc, Cà Giây, Sông Quao có dung tích trữ đạt 100% theo dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đông xuân 2020 - 2021. Còn các hồ phía Nam tích nước đạt thấp so với dung tích thiết kế, gồm hồ Sông Móng (huyện Hàm Thuận Nam) tích nước đạt 57,54% dung tích thiết kế, hồ Ba Bàu tích nước đạt 36,17%… Do đó, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi nguồn nước các hồ chứa thủy lợi ưu tiên cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, nên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh giao.
Hồ Ba Bàu (Hàm Thuận Nam)
Cũng theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khó khăn hiện nay trong quản lý cấp nước là hầu hết các tổ thủy nông nội đồng hoạt động không hiệu quả, chưa thực hiện tốt việc nạo vét kênh mương nội đồng. Mặt khác, nhiều người dân sử dụng nước chưa tiết kiệm, nhất là trong những thời điểm hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, các hệ thống kênh chuyển nước hiện vẫn chưa được kiên cố nên gây thất thoát nước lớn, hiệu quả sử dụng nước không cao. Bên cạnh, một số hồ chứa bị bồi lấp nhiều không đảm bảo dung tích chứa theo thiết kế, đặc biệt là hồ Ba Bàu và hồ Tà Mon (Hàm Thuận Nam). Trong khi đó, diện tích sản xuất hàng năm của tỉnh đều tăng, nguồn nước không đảm bảo, gây khó khăn cho việc điều tiết nước…
Tính toán cân đối nguồn nước
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tình hình thiếu nước đầu mùa khô 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đã họp bàn, thống nhất kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, thời vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021 tập trung từ ngày 20/12/2020 đến 20/1/2021. Lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được ưu tiên cấp nước thô phục vụ sinh hoạt đảm bảo đáp ứng nhu cầu đăng ký sử dụng của các đơn vị cấp nước trên địa bàn đến 30/6/2021. Sau đó, sử dụng tưới cho số diện tích cây trồng còn lại của vụ mùa năm 2020, nước uống cho gia súc, gia cầm và tưới cho cây trồng lâu năm hiệu quả kinh tế cao đến cuối tháng 4/2021. Riêng lượng nước còn lại sẽ cân đối, tính toán phục vụ cho các nhu cầu dùng nước khác.
Đáng lưu ý, dựa theo kế hoạch cấp nước, diện tích sản xuất vụ đông xuân toàn tỉnh khoảng 50.800 ha, gồm lúa, màu, thanh long và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi phải điều chỉnh cắt giảm diện tích sản xuất lúa đông xuân là 290 ha. Mặt khác, giãn phiên tưới (1 tháng tưới 1 lần) cho cây thanh long do nguồn nước tưới không đảm bảo.
Ông Nguyễn Hữu Phước đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường tích trữ nước vào cuối vụ nhưng phải đảm bảo an toàn công trình. Song song, triển khai nạo vét kênh trục chính, sửa chữa cống lấy nước, bảo dưỡng các thiết bị máy bơm, máy đóng mở cửa cống lấy nước. Đặc biệt, cần khai thác hiệu quả lượng nước chạy máy của thủy điện Đại Ninh, thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cấp nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Tánh Linh và Đức Linh.
Ngoài những biện pháp này, người dân các địa phương cần chủ động ứng phó, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Mặt khác, chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán như nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm trên sông, suối, đào ao, xây bể, mua bồn nước để trữ nước, đào, khoan giếng để khai thác nguồn nước ngầm…
Kiều Hằng