Theo dõi trên

Trả lại tên cho các môn học

18/08/2023, 06:09

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện được 3 năm (bậc trung học cơ sở thực hiện ở 2 khối lớp 6 và lớp 7).

Hai môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở là môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Gọi là tích hợp nhưng theo đánh giá của nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chỉ là kiểu ghép cơ học của các môn học độc lập trong chương trình 2006 lại với nhau. Môn lý, hóa, sinh gộp chung vào một cuốn sách khoa học tự nhiên. Môn lịch sử, địa lý gộp chung thành một cuốn sách lịch sử & địa lý.

601tlcg6csbs4.jpg

Không dám giải thích sâu

Sự tích hợp cơ học dẫn đến khó khăn cho giáo viên giảng dạy và cho chính học sinh khi học. Giáo viên phần lớn hiện nay được đào tạo đơn môn, ra trường vài chục năm cũng chỉ dạy một môn. Nay, phân công phải dạy 2 đến 3 môn trái chuyên môn hỏi sao không lúng túng cho được.

Có thầy dạy sinh được phân công dạy lý đã thừa nhận rằng, đôi khi mình còn thua học sinh thì sao dạy tốt được? Nói rồi thầy cho biết, có em hiểu vấn đề khá nhanh, có nhiều cách làm sáng tạo đôi khi thầy không thể theo kịp trò. Mỗi lần giảng dạy phần hóa và lý chỉ giảng nhanh những gì trong sách giáo khoa nêu mà không dám đào sâu, phân tích kỹ. Có hôm, gặp câu hỏi khó phải khất các em để về tìm hiểu thêm.

Có cô giáo dạy lý kể rằng, lớp cô dạy có học sinh giỏi hóa. Trong giờ dạy hóa, nhiều khi em đặt câu hỏi làm cô toát hết mồ hôi. Dù trước đó, cô đã tìm hiểu kỹ bài dạy trước khi lên lớp.

Em K.T. một học sinh lớp 7 cho biết: “Thầy K. dạy em cả 3 môn lý, hóa, sinh nhưng chỉ môn hóa là thầy dạy hay và dễ hiểu. 2 môn còn lại, gần như thầy chỉ giảng và đọc những kiến thức trong sách giáo khoa. Hôm nào thầy nghỉ, cô H. vào dạy thay thì lớp hiểu bài hơn nhiều”.

Khó khăn khi phân công giáo viên

Theo đúng với tinh thần chương trình GDPT 2018, chỉ một giáo viên dạy môn tích hợp như khoa học tự nhiên và lịch sử & địa lý. Tuy nhiên trong các trường học hiện nay, gần như không có giáo viên có chuyên môn tích hợp mà chỉ có giáo viên dạy một môn.

Sẽ là rất khó khăn khi giáo viên lý phải dạy cả hóa và sinh. Giáo viên sinh dạy cả hóa và lý. Giáo viên sử dạy luôn môn địa và giáo viên địa dạy cả môn sử. Khi dạy trái chuyên môn, chất lượng giờ dạy không cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Nắm rõ thực trạng này, mỗi trường học áp dụng một cách phân công chuyên môn khác nhau.

Tổ chuyên môn có nhiệm vụ xây dựng thời khóa biểu sao cho hợp lý nhất. Có trường sẽ cho giảng dạy lịch sử trước, địa lý dạy sau. Hoặc dạy xong lý đến hóa và sinh. Có trường 8 tuần dạy 2 tiết lịch sử, 1 tiết địa. 8 tuần sau lại đổi ngược lại. Trường lại phân công 4 tuần dạy 2 tiết lịch sử, 1 tiết địa lý và ngược lại… môn lý, hóa, sinh cũng luân chuyển dạy như thế.

Hiện có nhiều cách phân công chuyên môn ở nhiều trường học. Có trường vẫn cứ cho giáo viên giảng dạy như trước đây. Nghĩa là, giáo viên môn nào vẫn chỉ giảng dạy môn học đó. Tới phần kiểm tra, nội dung kiểm tra thì 2 hoặc 3 giáo viên ngồi lại chia tỷ lệ % ra đề ôn tập và đề cương. Khi chấm bài, ai dạy phân môn nào thì chấm phân môn đó và cộng điểm tổng hợp ghi sổ.

Có trường buộc giáo viên dạy tích hợp môn như giáo viên lý dạy hóa và sinh, giáo viên sinh dạy cả hóa và lý, giáo viên sử dạy địa, giáo viên địa dạy cả sử… thầy cô phải vừa dạy vừa học. Có trường phân công giáo viên trẻ dạy tích hợp ở những khối lớp đã thay sách, những giáo viên lớn tuổi sẽ dạy những lớp chưa thực hiện thay sách giáo khoa. Lại có trường, thể hiện sự phân công giảng dạy trên thời khóa biểu theo môn tích hợp nhưng cho phép giáo viên tự đổi tiết cho nhau. Ví dụ cứ đến chuyên môn của thầy cô giáo nào thì tự đổi cho nhau vào giảng dạy.

Giải pháp nào giảm áp lực giảng dạy chéo môn

Trong thực tế, không phải giáo viên nào cũng có khả năng dạy tốt 2 đến 3 môn không phải chuyên môn của mình. Vì thế, nếu bắt buộc phải dạy, thầy cô giáo sẽ vô cùng áp lực mà học sinh cũng bị thiệt thòi rất nhiều. Đã có những thầy cô giáo nói thẳng thắn: “Dạy thì được, kiểu dạy cho xong trách nhiệm nhưng dạy tốt, dạy hiệu quả thì rất khó”.

Cũng đã có thầy cô giáo khẳng định rằng: “Có cho đi học bồi dưỡng vài tháng để có chứng chỉ thì nhiều thầy cô vẫn không thể dạy tốt môn tích hợp. Bởi, đi tập huấn chỉ học hỏi thêm về kỹ năng giảng dạy. Còn dạy tốt hay không là phụ thuộc vào kiến thức vốn có của mỗi thầy cô”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã thừa nhận việc triển khai môn tích hợp là một thách thức lớn đang đặt ra. Theo Bộ trưởng, tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: Một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó để giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Tuy thế, nhiều giáo viên đang dạy các môn lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý cho rằng nếu đi tập huấn để có được chứng chỉ tích hợp cũng không cải thiện được nhiều vì việc tập huấn chỉ giải quyết được phương pháp, kỹ năng giảng dạy nhưng kiến thức về môn học của mỗi thầy cô cũng sẽ rất khó cải thiện được.

Cách tốt nhất hiện nay, xóa bỏ môn học gọi là tích hợp, trả lại tên gọi cũ như môn lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý như trước đây.

PHAN TUYẾT


(80) Bình luận
Bài liên quan
Sách giáo khoa cho năm học mới: Đảm bảo đầy đủ
Năm học mới 2023 - 2024 sắp đến gần, đây cũng là thời gian cao điểm các bậc phụ huynh chuẩn bị các vật dụng cần thiết làm hành trang cho con đến trường. Trong đó, sách giáo khoa (SGK) hầu hết được các phụ huynh chuẩn bị sớm cho các em trước khi năm học mới bắt đầu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả lại tên cho các môn học