Theo dõi trên

Trừng phạt Nga, phương Tây cũng phải đối mặt rủi ro

23/03/2022, 09:21

Không chỉ riêng Nga, phương Tây cũng đang cảm nhận được những tác động từ các biện pháp trừng phạt liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã đẩy chi phí năng lượng ở châu Âu và Mỹ tăng cao hơn, dẫn đến lạm phát cao kỷ lục. Những người nông dân và tài xế xe tải ngày càng khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu cho máy móc, mua phân bón hoặc theo kịp các chi phí khác.

Tại châu Âu, khu vực phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, các lệnh trừng phạt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến chi phí của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao.

media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2022-03-_15-phu-16355093522781309220366(1).jpg
Công trình xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở thành phố Kingisepp, Nga, cách đây 2 năm. Ảnh: Reuters

Chi phí năng lượng cao

Người dân trên khắp châu Âu đã bày tỏ bức xúc vì giá dầu diesel và xăng tăng cao. Tuần trước, hàng nghìn tài xế xe tải đã bắt đầu một cuộc đình công vô thời hạn ở Tây Ban Nha dẫn đến tắc đường. Một số công ty xe tải ở Tây Ban Nha đã ngừng hoạt động do chi phí cao khiến nhiều người mất việc làm.

Tại Italy, một lít xăng và dầu diesel hiện có giá hơn 2 euro. Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng vọt. Hàng trăm nông dân ở Hy Lạp đã xuống đường biểu tình để yêu cầu chính phủ cung cấp thêm phúc lợi giúp họ đối phó với chi phí năng lượng cao hơn.

Tại Mỹ, người tiêu dùng hiện phải trả ít nhất gấp đôi tiền xăng sau khi xảy ra khủng hoảng giá năng lượng.

Kệ trống tại các cửa hàng tạp hóa

Các cuộc đình công của tài xế xe tải đã gây ra các vấn đề về nguồn cung, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thực phẩm của nhiều quốc gia châu Âu. Hình ảnh những kệ hàng trống trơn tại các cửa hàng tạp hóa đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu khi nguồn cung cấp thực phẩm và sản phẩm cơ bản bị ảnh hưởng.

Một số nhà bán lẻ đã phải hạn chế bán một số sản phẩm nhất định để ngăn khách hàng mua nhiều hơn “số lượng bình thường dành cho hộ gia đình”. Trong khi đó, chính phủ các nước khẳng định không có việc thiếu hụt nguồn cung và kêu gọi người dân không mua đồ tích trữ.

Các chuyên gia cho rằng sự bất ổn trên thị trường có khả năng sẽ tiếp diễn và tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn trong những tuần tới.

Giá thực phẩm tăng chóng mặt

Giá lương thực trên toàn cầu, vốn đã tăng cao do đại dịch Covid-19, nay lại tăng vọt trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng ở Ukraine.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì quan trọng trên thế giới, cùng với dầu hướng dương, cải dầu, hạt lanh và đậu nành dùng làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Nga và Belarus, những nước phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là những nhà cung cấp phân bón quan trọng trên toàn cầu. Giá phân bón tăng cao đồng nghĩa với việc nông dân trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với chi phí trồng trọt cao hơn.

Tại Italy, giá mì ống, bột mì và rau quả đã tăng vọt, trong đó giá dầu hướng dương tăng cao nhất, tới 19%.

Dữ liệu từ Coldiretti, tổ chức thương mại nông nghiệp quốc gia Italy, cho thấy giá bánh mì đã tăng gấp đôi kể từ tháng 11/2021, lên mức 8 euro/kg vào thời điểm hiện tại.

Một số kệ hàng ở siêu thị tại Đức khan hiếm dầu ăn và bột mì. Giá dầu ăn tại Đức đã tăng đáng kể, với một chai dầu ăn hiện có giá gần 2 euro, tăng so với mức chưa tới 1 euro vài tháng trước.

Thị trường ô tô toàn cầu gặp khó khăn

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô, lĩnh vực đã phải đối mặt với giá cả tăng cao do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19, bao gồm cả tình trạng thiếu chất bán dẫn.

Tuần này, các nhà sản xuất ô tô lớn thông báo sẽ đóng cửa các nhà máy ở châu Âu và tăng giá hơn nữa do vấn đề nguồn cung. Tại Mỹ, giá xe đã qua sử dụng hiện đang cao hơn nhiều so với mức trung bình trong bối cảnh khan hiếm ô tô và xe tải mới.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp đáng kể các mặt hàng quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô như khí neon, nhôm, bạch kim và palladium. Tuần trước, nhà cung cấp dữ liệu thị trường ô tô S&P Global Mobility cho biết, chiến sự Nga – Ukraine và giá hàng hóa tăng cao sẽ dẫn đến việc sản xuất ít hơn 5 triệu chiếc ô tô trong 2 năm tới.

Bước tiếp theo của châu Âu

Lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp đã họp vào tuần trước nhằm kêu gọi một phản ứng khẩn cấp trên toàn Liên minh châu Âu đối với cuộc khủng hoảng năng lượng để đưa ra cuộc họp Hội đồng châu Âu sắp tới.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, vào cuối tháng 3, họ có kế hoạch đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao.

Sự lo lắng của châu Âu đang ngày càng gia tăng do lo ngại Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực. Điều này có thể khiến nền kinh tế của châu Âu rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, các nước thành viên EU sẽ cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga hay không.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết các nước đang thực hiện vòng trừng phạt thứ 5 và nhiều biện pháp trừng phạt mới đang được đề xuất. Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay các nước Baltic, bao gồm Litva, đang thúc đẩy lệnh cấm vận, coi đây là bước đi hợp lý tiếp theo, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng ở châu Âu vốn đã cao./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“La bàn chiến lược” của châu Âu và kế hoạch tăng cường quốc phòng đầy tham vọng
Hôm qua (21/3), Ủy ban châu Âu đã thông qua một khái niệm phòng thủ mới có tên “La bàn chiến lược” cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó có việc thành lập một Lực lượng phản ứng nhanh của Liên minh châu Âu (EU) gồm 5.000 người.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trừng phạt Nga, phương Tây cũng phải đối mặt rủi ro