Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các ngoại trưởng Australia và Trung Quốc tại Indonesia hôm thứ Sáu vừa qua (8/7), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận quan hệ hai nước đang đối mặt với những thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển vì lợi ích hai bên và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định phía Trung Quốc sẵn sàng điều chỉnh lại và phục hồi quan hệ song phương với Australia trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đồng thời nỗ lực đưa quan hệ song phương đi đúng hướng.
Trong bài phát biểu được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho rằng để cải thiện quan hệ giữa hai nước thì phía Australia cần thực hiện bốn yêu cầu:
Thứ nhất là Australia cần coi Trung Quốc là một đối tác thay vì là một đối thủ; Thứ hai là hai bên phải tuân thủ một lộ trình tìm kiếm điểm chung trong khi vẫn có những quan điểm khác biệt.
Thứ ba, không nhắm mục tiêu đến bất kỳ bên thứ ba nào hoặc bị bất kỳ bên thứ ba nào kiểm soát.
Thứ tư là hai bên cùng xây dựng các nền tảng xã hội tích cực, thực dụng và sự ủng hộ của công chúng.
Cũng tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị còn cho rằng nguyên nhân khiến quan hệ Trung Quốc - Australia xấu đi trong vài năm qua là do chính quyền của cựu Thủ tướng Scott Morrison đã coi Trung Quốc là đối thủ hoặc thậm chí là mối đe dọa cùng với hàng loạt lời nói và hành động chống Trung Quốc.
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho rằng cuộc gặp là bước đầu tiên để ổn định mối quan hệ Trung Quốc - Australia sau khi hai bên đã có những trao đổi thẳng thắn về các ưu tiên và mối quan tâm của nhau.
Tuy nhiên, bà Wong cũng khẳng định việc ổn định quan hệ song phương sẽ cần nhiều thời gian và Australia sẽ thực hiện từng bước đi một vì lợi ích quốc gia. Australia đã thay đổi chính phủ, nhưng lợi ích quốc gia và các thiết lập chính sách sẽ không thay đổi.
Australia và Trung Quốc đã có một số động thái “phá băng” trong quan hệ với hai cuộc gặp gần đây của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, tuy nhiên, dư luận giới phân tích chính trị tại Australia cho rằng chính phủ nước này sẽ không vì muốn cải thiện quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất mà chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, các yêu sách thứ ba và thứ tư của Trung Quốc là phi lý vì Australia đang có chính sách đối ngoại độc lập chứ không tham gia cùng Mỹ để chống Trung Quốc.
Trong khi đó, việc Trung Quốc yêu cầu xây dựng sự ủng hộ tích cực của công chúng Australia đối với mối quan hệ của hai bên là điều khó xảy ra. Cũng theo Giáo sư Medcalf, Australia chưa khi nào coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng đây là một nguồn rủi ro lớn và nhận thức của chính phủ về điều đó sẽ khó thay đổi.
Quan hệ ngoại giao Australia - Trung Quốc bắt đầu lao dốc từ giữa năm 2020 sau khi Australia kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế độc lập để làm rõ nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và sau đó Trung Quốc bắt đầu ban hành lệnh trừng phạt thương mại đối với nhiều sản phẩm của Australia trong đó có rượu vang, thịt bò và than đá.
Australia hiện yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nước này để tái khởi động quan hệ song phương. Tuy nhiên, việc cả hai bên đều đặt điều kiện để nối lại quan hệ và chưa có dấu hiệu nhượng bộ cho thấy tình trạng lạnh giá trong quan hệ giữa hai nước sẽ chưa thể sớm được cải thiện./.