Theo dõi trên

Trung Quốc "ngồi im theo dõi" khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng

24/01/2022, 08:28

Nếu Nga tập trung vào “chiến trường” châu Âu, điều này có thể để lại nhiều không gian hơn cho Trung Quốc củng cố quyền lực ở châu Á, đặc biệt là Trung Á.

Trung Quốc không muốn vướng vào cuộc chiến ở Ukraine

Liệu Trung Quốc có bị vướng vào một cuộc chiến, dù cường độ cao hay thấp, ở Ukraine cùng với Nga hay không? Liệu Trung Quốc có tranh thủ giải quyết vấn đề Đài Loan cùng lúc Nga tấn công Ukraine để chuyển hướng sự chú ý của Mỹ? Điều Trung Quốc có thể làm là “ngồi im và theo dõi”.

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thực chất không hề dễ dàng hay suôn sẻ. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc luôn cảnh giác với các mối đe dọa chiến lược đến từ phía Bắc. Các cuộc xâm lược hay áp lực từ các nhóm du mục và bán du mục phía Bắc là mối quan tâm chính kể từ khi thành lập các xã hội nông nghiệp ở lưu vực sông Hoàng Hà.

Kể từ khi mở rộng về phía Tây vào thế kỷ 18, Nga đã chống lại quyền lực ở Bắc Kinh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow lo ngại một Trung Quốc năng động và đông dân từ phía Nam có thể sẽ tiếp quản vùng Siberia.

Tuy nhiên, hai nước hiểu rõ về nhau, có truyền thống giao dịch lâu đời và cảm thấy sức hút từ đối phương do những áp lực riêng từ Mỹ và các đồng minh của Washington cả ở phía Đông và Tây trong thập kỷ qua.

Hơn nữa, bất chấp những lo ngại về Nga trước đây, Trung Quốc hiện mua hơn 400 tỷ USD khí đốt từ Nga, được vận chuyển thông qua các đường ống mới. Thỏa thuận không được tiến hành trong nhiều năm do hai bên bất đồng về giá cả, nhưng sau đó, thương vụ này lại trở thành một nước đi chiến lược.

Trung Quốc bắt đầu cảm thấy hải quân Mỹ có thể cắt đứt các tuyến vận tải hàng hải của mình, vì vậy các tuyến cung cấp của Nga trở nên quan trọng về mặt chiến lược. Tất nhiên, hợp đồng khí đốt có lợi cho cả 2 bên. Điều này cũng rất quan trọng đối với Nga, đặc biệt là nếu đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không đạt được hiệu quả như kỳ vọng ở châu Âu.

Đầu tháng 1/2022, Nga điều lực lượng gìn giữa hòa bình theo khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tới Kazakhstan. Điều này được xem như động thái củng cố ảnh hưởng đối với một quốc gia đang cải thiện quan hệ với Mỹ. Mặt khác, động thái của Nga cũng đã giải quyết được một vấn đề cho Trung Quốc, do Bắc Kinh lo ngại Kazakhstan có thể trở thành cơ sở gây bất ổn ở Tân Cương.

Một mặt, Trung Quốc có thể đang theo dõi tình hình Ukraine sẽ diễn ra như thế nào. Nếu Mỹ thể hiện sự yếu kém tại đây, Bắc Kinh có thể nhận được thông điệp rằng Mỹ không sẵn sàng vạch ra ranh giới với Nga và thậm chí cũng không sẵn sàng với Trung Quốc.

Mặt khác, nếu Mỹ hoặc phương Tây sa lầy vào cuộc xung đột ở Ukraine, Bắc Kinh có thể cho rằng Washington đang bị phân tâm khỏi mặt trận châu Á.

Những mối quan tâm khác nhau

Hơn nữa, nếu Nga tập trung vào châu Âu, điều này có thể để lại cho Trung Quốc nhiều không gian ở châu Á hơn.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của Nga ở châu Á lại rất cụ thể. Sự can dự nhiều hơn của Nga vào Trung Á đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không có nhiều không gian ảnh hưởng.

Moscow có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ấn Độ - đối thủ của Trung Quốc. Đây có thể không phải là sự khác biệt duy nhất giữa Nga và Trung Quốc.

Nga muốn đẩy NATO lùi xa hết mức có thể để khôi phục không gian Xô Viết cũ, nhưng Trung Quốc lại không có nhiều lý do để làm điều này. Các động thái của Nga đang làm thức tỉnh NATO – liên minh vốn bị một số nhân vật nội khối chỉ trích là thể chế “giống như thây ma” hay “chết não”. Đó có thể là một cái giá cần thiết phải trả đối với Moscow, nhưng với Bắc Kinh có lẽ lại khác.

Trung Quốc có thể không muốn liên kết với Nga chống lại NATO, bởi một số nước châu Âu vốn miễn cưỡng tham gia cùng các đồng minh chống lại Trung Quốc có thể sẽ kiên quyết hơn nếu thấy Trung Quốc đứng về phía Nga. Việc “đánh thức” hồi sinh một liên minh quân sự có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc cũng không phải là tin tốt đối với Bắc Kinh.

Trong hơn một thập kỷ gần đây, Nga cắt đứt quan hệ với Gruzia, ngăn chặn cuộc cách mạng hoa nhài ở Syria, sáp nhập Crimea, gửi quân đến Libya và châu Phi, hỗ trợ Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan, và mới đây nhất là gia tăng ảnh hưởng ở Kazakhstan.

Những động thái này khiến Châu Âu ngày càng lo ngại, đặc biệt là Đức. Nếu Ukraine thất thủ, khu vực Baltics và Ba Lan có thể trở thành những nước tiếp theo, và Đức lại trở thành chiến tuyến.

Mặt khác, nếu Bắc Kinh hỗ trợ Moscow trong việc đối phó với NATO, điều đó cũng không đảm bảo Nga sẽ đáp lại tương tự trong tương lai gần. Hai bên có sự nghi ngờ lẫn nhau và những lợi ích khác biệt trong vấn đề Ukraine cho thấy những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Moscow-Bắc Kinh./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Động đất 6,1 độ ở Indonesia, rung chuyển quần đảo Talaud
Đây là trận động đất mạnh thứ hai ở Indonesia kể từ đầu năm nay sau trận động đất 6,7 độ tại tỉnh Banten, đảo Java tuần trước.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc "ngồi im theo dõi" khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng