Theo dõi trên

Truyền hình: Ngô Đăng Khoa và những thước phim luôn có nét riêng

01/01/2016, 09:23

BT- Từ phim tài liệu, phim ca nhạc, phóng sự ngắn, phóng sự chuyên đề, ở thể loại nào anh cũng đã mang về huy chương vàng, huy chương bạc. Anh là Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng Văn nghệ thể thao, Đài PTTH Bình Thuận. Dưới đây là cuộc trao đổi với anh về những kinh nghiệm về làm phim, đặc biệt là phim tài liệu.

Anh từng đạt rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc, với huy chương vàng lần thứ 35 thì có ý nghĩa như thế nào đối với anh cũng như đối với tập thể Đài PTTH Bình Thuận?

Chúng tôi đã tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc từ lần thứ 5, tức là khi Truyền hình Bình Thuận mới ra đời. Trong 30 năm  chúng tôi  đã  nhiều lần đoạt huy chương vàng, huy chương bạc. Tuy nhiên, huy chương vàng lần thứ 35 này tạo  nên trong tôi cảm xúc rất đặc biệt, bởi đây  là món quà mà những người làm phim chúng tôi gởi đến tập thể, những người đi trước đã có nhiều đóng góp cho 30 năm phát triển của Đài PTTH Bình Thuận.

Tác phẩm vừa đạt huy chương vàng là phim tài liệu không lời bình?

Phim tài liệu không sử dụng lời bình  thực ra không mới, chúng tôi  đã thực hiện  từ 15, 20 năm về trước. Một bộ phim không có lời bình chỉ sử dụng tiếng động, nó đòi hỏi phải trau chuốt từng cảnh quay, từng trường đoạn. Cả bộ phim đòi hỏi đầy ắp ngôn ngữ hình ảnh. Hình ảnh phải nói hộ cho tác giả, cho ê kíp làm phim. Bên cạnh, âm thanh cũng rất quan trọng. Chúng tôi  sử dụng kỹ thuật thu thanh đồng bộ, bởi vì âm thanh hiện trường chính là hơi thở cuộc sống. Tóm lại, làm phim hay phóng sự không có lời bình đòi hỏi rất cao về mặt ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh. Chính hai yếu tố này  làm cho tác phẩm sống động và phản ánh đúng thực tế cuộc sống.

Trong nhiều tác phẩm đạt giải của anh, đa phần anh khai thác số phận những con người kém may mắn biết vươn lên trong cuộc sống. Đâu là lý do?

Đối với phim tài liệu, yếu tố con người, số phận lại đặc biệt quan trọng. Chính yếu tố con người, yếu tố thân phận sẽ gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Những số phận kém may mắn, thân phận ngặt nghèo biết vươn lên trong cuộc sống  tạo cho tôi cũng như ê kíp sự gần gũi, thân thiết với nhân vật bởi chúng tôi luôn luôn hướng tới cái chân - thiện - mỹ, những khát vọng sống. Chúng tôi cũng phải nói lời cảm ơn  Bình Thuận, nơi có rất nhiều con người, rất nhiều hoàn cảnh đã vượt lên thử thách, gian truân để trưởng thành.

Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho đồng nghiệp để họ sáng tạo nên  những tác phẩm hay, dự thi trong các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc tới đây?

 Khi bắt tay  thực hiện tác phẩm dự thi thì điều đầu tiên tôi nhắm tới là bản sắc, cái nét văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người nơi đó. Mỗi một tác phẩm  cố gắng tạo nên nét riêng,  màu sắc riêng không thể trộn lẫn được trong hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm của đồng nghiệp. Cụ thể, tôi luôn hướng tới là làm thế nào để lột tả hết nét riêng của Bình Thuận, đó là một vùng gió cát vẫn có những con người, số phận khát khao vươn lên. Đó là bản sắc riêng, còn về cách thể hiện thì luôn trăn trở làm thế nào để năm sau không đi lại lối mòn của năm trước; làm thế nào để cập nhật cách làm hiện đại của thế giới mà vẫn giữ được nét riêng của phim tài liệu Việt Nam. Tôi cũng muốn nói thêm là cách làm phim tài liệu của Việt Nam rất cổ điển, gần như hướng tới  duy mỹ trong từng cảnh quay, còn cách làm của thế giới thì hướng tới cái gấp gáp của cuộc sống. Từng tác phẩm đầy ắp âm thanh của cuộc sống. Chúng tôi luôn hài hòa giữa cách làm hiện đại của thế giới và cách làm truyền thống của Việt Nam. Đó là một số điều để Đài PTTH Bình Thuận trong những năm qua đạt giải cao tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc và 2 năm liên tiếp đoạt huy chương vàng.

Xin cám ơn anh!

Ngọc Tỵ (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền hình: Ngô Đăng Khoa và những thước phim luôn có nét riêng