Tác giả Phan Chính sinh năm 1943, còn có bút danh Đông Thùy viết báo, làm thơ trước 1975. Ông là cây bút gắn bó lâu dài với hoạt động văn học nghệ thuật Bình Thuận cả 2 thể loại: Thơ và văn xuôi. Hơn nửa thế kỷ đam mê trang chữ, tác giả Phan Chính đã xuất bản 5 tập thơ, 5 tập sưu khảo và rất nhiều bài viết đăng trên các tạp chí, báo Trung ương và địa phương.
Vậy các bạn văn đã cảm nhận như thế nào? Và đã viết những gì về ông và tác phẩm của ông? Trong bài viết ngắn này, xin được trích dẫn một số cảm nhận của các bạn văn qua các trang viết in trong tập sách.
Nhà báo Huỳnh Thanh trong bài viết Phan Chính tiếp tục hành trình “Tìm lại dấu xưa” đã cảm nhận: “Khi xuất bản cuốn “Bình Thuận – tìm lại dấu xưa”, báo chí sẽ không quá khi gọi ông là nhà “Bình Thuận học”. Cả đời người ngoài làm thơ, viết văn, viết báo, Phan Chính rất say mê và dành nhiều công sức, tâm huyết cho thể loại biên khảo, khảo cứu địa danh, quê hương, đất nước và con người Bình Thuận. Với kiến thức và năng lực chuyên môn của mình, ông cũng đã được mời tham gia soạn thảo nhiều công trình địa chí, lịch sử của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh”. Và khi nhận xét về tính cách, nhà báo Huỳnh Thanh cảm nhận: “Mặc dù nhà nghiên cứu Phan Chính khá khiêm tốn chỉ tự nhận mình đóng góp một phần nhỏ, thế nhưng thực tế những đóng góp của ông không nhỏ chút nào trong công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của tỉnh nhà. Những công sức và thành quả của ông thật đáng trân trọng”.
Nhà văn Nguyễn Phương rất trân trọng giá trị tác phẩm và những cống hiến của tác giả Phan Chính. Trong bài viết Một người anh Nguyễn Phương bày tỏ: “Anh Phan Chính là một nhà khảo cứu về địa lý khá đặc biệt của tỉnh và đồng thời là một nhà thơ. Anh đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ và biên khảo về quê hương Bình Thuận. Những công trình khảo cứu của anh giúp cho người đọc hình dung được phần nào không gian sống của đất và người Bình Thuận, những xuất xứ và thay đổi của những tên làng, tên núi, tên sông xưa và nay, của Việt và Chăm… mà nhiều khi do những bận rộn trong cuộc sống khiến không nhiều người trong chúng ta lưu tâm đến”.
Còn với nhà báo Nguyễn Hữu Cán, anh đã rất đề cao các tác phẩm mà tác giả Phan Chính đã xuất bản. Và trong bài viết Phan Chính – người Bình Tuy anh đã chia sẻ: “Dù tôi không phải là người có thời gian sống ở đất Bình Tuy cũ – một phần đất phía nam của tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng đọc các tập sưu khảo, biên khảo của anh, tôi hiểu hơn vùng đất mà anh đang sống. Vì vậy tôi gọi anh là “người Bình Tuy”.
Và cũng giống như các bạn văn khác, nhà giáo Dương Thế Thuật khi đọc tác phẩm “Đất xưa Bình Thuận” của tác giả Phan Chính, ông nhận thấy tình quê hương qua “Đất xưa Bình Thuận”. Ông cảm nhận: “Khó có thể liệt kê hết những trang viết giàu tư liệu, tràn cảm xúc, lại đầy chất thơ của tác giả Phan Chính trong tập sách “Đất xưa Bình Thuận”. Một tấm lòng yêu quê hương sâu nặng, luôn đau đáu trong anh để Phan Chính dồn tâm trí của mình, trải lòng trên những trang viết về quê hương, gởi đến bạn đọc.
Ngoài một số cảm nhận của các bạn văn nêu trên, còn có nhiều bạn văn khác, như: nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà văn Võ Nguyên, nhà thơ La Văn Tuân, nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm… khi cảm nhận đều đánh giá cao về giá trị tác phẩm cũng như sự cống hiến của tác giả Phan Chính trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Tác giả Phan Chính là thế, luôn cống hiến hết mình với lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng ông lại rất khiêm tốn, không bao giờ dám nhận danh xưng nào (dù với ưu ái của bạn dành cho) mà chỉ nhận mình là người có một thời “say” chuyện văn chương. Nay, ông thấy mình tuổi đã cao nên việc xuất bản thêm các tác phẩm mới chưa thể tính tới. Bởi vậy ông xem tập sách Từ cảm nhận bạn văn với Phan Chính là ấn phẩm tuổi cuối chiều.