Theo dõi trên

Từ giai thoại lẩu thả đến huyền thoại nước mắm tĩn

26/06/2020, 14:19

BT- Vẫy gọi du khách nội địa đến với Bình Thuận, vào thời điểm này, có lẽ khó có thể bỏ qua “món” ẩm thực. Đó không chỉ là thứ “ám thị” tất cả các giác quan con người một cách mạnh mẽ nhất mà còn là những câu chuyện nhân sinh về biển cả, về con người.

                
      Lẩu thả – đặc sản Phan Thiết. Ảnh: Internet

 Giai thoại lẩu thả 

Những ngày đầu du khách biết và tìm đến Bình Thuận, câu cửa miệng thường là “Về đó đi để thưởng thức mực một nắng”. “Mực một nắng” trở thành thương hiệu nhưng khi vượt ra khỏi địa giới hành chánh Bình Thuận, tiếc thay lại mất đi “chỉ dẫn địa lý”. Thứ quý giá nhất để xác định như kiểu “chỉ có Bạch Tuyết mới xỏ vừa chiếc giày trên tay hoàng tử”.

Duy có một món tưởng chừng ít “ồn ào” nhưng sức sống lại lâu bền, mang đến nhiều hương vị và cảm xúc cho du lịch Bình Thuận. Bởi xung quanh nó nảy nở không ít giai thoại không dễ gì có được. Đó là lẩu thả.

“Vào khoảng năm 2004, khi đi nghỉ ở một resort tại Hàm Tiến, tôi được gợi ý thưởng thức món lẩu thả. Từng biết nhiều loại lẩu trong và ngoài nước nhưng lẩu thả thì chưa nghe bao giờ”, Khổng Nhất Huy (TP. Hồ Chí Minh) nhớ lại. Anh kể: “Nó lạ và đẹp mắt, thu hút tôi ngay từ cách bài trí. Đến khi thưởng thức thì cảm nhận được hương vị lạ. Người phục vụ cho tôi biết, lẩu thả biểu hiện 5 yếu tố: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa - Thổ. Thú vị hơn, khi họ nói, món này do vua đầu bếp Yan Can Cook trứ danh trong lần đến Bình Thuận quảng bá cho du lịch đã ngẫu hứng nghĩ ra”.

Người viết cũng đã từng được giới thiệu món lẩu từ cá mai, hoa chuối và nhiều thứ khác. Nhưng được chị Cherry Vy - Giám đốc marketing Seahorse resort đính chính: “Lẩu thả do một đầu bếp có tên Hai Bếp sáng tạo ra. Nhưng nó nhanh được lan tỏa bởi vua đầu bếp tên Yan kia thưởng thức và ngợi ca”.

Những ngày ấy, trong thực đơn của hầu hết resort đều trịnh trọng có tên “lẩu thả”, được xem như một món đặc trưng riêng cho Phan Thiết - Bình Thuận. Các cuộc hội chợ, các cuộc festival trong nước, “lẩu thả Phan Thiết” luôn được xướng tên, để lại ấn tượng mạnh và in dấu son trong lòng quan khách. 

“Thực ra, lẩu thả là một món ăn có nguồn gốc dân dã ở làng chài Mũi Né. Kể từ khi có du lịch, nó được khai thác và “trang điểm” thêm để có hình hài như bây giờ. Mỗi cơ sở du lịch, thổi vào đó một sắc thái riêng. Nhưng dù gì thì hồn cốt vẫn là triết lý nhân sinh của đời ngư phủ đối đầu với sóng cả”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa giải thích.

Kể, lý giải theo cách nào có thể cũng được chấp nhận. Vì dù sao, tất cả những câu chuyện đều cho thấy rằng, “lẩu thả Phan Thiết” rất được nhiều người quan tâm. Càng nhiều câu chuyện, càng làm cho nó thêm bí ẩn và hấp dẫn. Như vậy trong chừng mực nào đó, “lẩu thả Phan Thiết” đã xác lập được thương hiệu và nếu hình dung lại từ miệng “dân gian”, có khi món ăn này đã được đóng mộc “chỉ dẫn địa lý”. Điều mà mực một nắng không vinh dự bằng.   

Chỉ cần gõ 2 từ “lẩu thả” vào công cụ tìm kiếm trên internet, kết quả sẽ gợi ý ngay “lẩu thả Phan Thiết” (hoặc “lẩu thả Mũi Né”). Dù cố tìm thêm cũng không có “lẩu thả Vũng Tàu” hay “lẩu thả Nha Trang”. Trong khi đó, “mực một nắng” thì không của riêng vùng biển nào.

“Lẩu thả” đàng hoàng có tên trong trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Trang này “định nghĩa”: “Lẩu thả hay còn gọi là lẩu hải sản của vùng biển Mũi Né, Phan Thiết, Việt Nam”. Không hề có tên vùng nào khác.

 Huyền thoại… nước mắm tĩn

Hãy khoan “bàn” đến tính “hàn lâm” của nước mắm Phan Thiết mà xin vài dòng trước về giai thoại của loại nước chấm danh bất hư truyền này. Nhiều người chắc không lạ khi nghe nhắc lại “nếu đang đi (trên xe) mà bỗng nghe mùi… chắc chắn đã đến Phan Thiết”. Tếu táo nhưng đầy tự hào. Vì dễ mấy nơi có được? Thực tế, trước năm 1975, nếu ai đó đã từng đi ngang Phan Thiết bằng quốc lộ 1, đều nhận thấy 2 hình ảnh rất ấn tượng. Một là những cánh đồng muối ở phía Bắc; hai là hàng trăm cái tĩn được xếp rất đều đặn ở phía Nam. Hình ảnh này cũng đã đi vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Đó chính là nét độc đáo của Phan Thiết với nước mắm tĩn.

                
      Thương hiệu nước mắm tĩn Phan Thiết truyền thống hơn 300 năm.

Trong câu chuyện về văn hóa, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng viết: Kỹ nghệ làm nước mắm tĩn ở Bình Thuận nắm giữ vai trò độc tôn ngót một thế kỷ.

Xa hơn. 300 năm, thuở lập làng. 300 năm, đất - nước - người Phan Thiết làm nên thương hiệu nước mắm tĩn có một không hai. Tiến sĩ kinh tế, doanh nhân Trần Ngọc Dũng cảm nhận rõ tầng tầng giá trị văn hóa của nước mắm tĩn nên không ngại ngần dốc lòng, dốc sức “gầy dựng” cả một bảo tàng hiện đại về nước mắm. Và sản phẩm nước mắm tĩn đã được nâng tầm. Nó có mặt ở các resort. “Tới đây cho đến cả tháng 7, chúng tôi mang nước mắm tĩn với chiếc áo vừa truyền thống vừa hiện đại đến TP. Hồ Chí Minh để kể lại mối lương duyên xưa về những chuyến ghe bầu bên bến Bình Đông. Chúng tôi cũng mang ra Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nơi có nhiều người sành ăn, để kể cho họ nghe nhiều câu chuyện về nước mắm tĩn xứ mình” - ông Dũng chia sẻ.

Mỗi một món ăn giá trị đều hội đủ dinh dưỡng, thẩm mỹ và bên trong hàm chứa câu chuyện nhân văn. Với Bình Thuận, dù chỉ là giai thoại như lẩu thả hay huyền thoại như nước mắm tĩn thì vẫn đủ xứng tầm để vang lên khúc ca gọi mời. Và với bước ngoặt hậu Covid-19, biết đâu, xứ này lại có thêm một sản phẩm nào mới hơn, lạ hơn từ biển khơi muôn trùng. Nếu được thế, du khách mới thật sự “Oh wow! Mũi Né”.

Kim Hồng Đăng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ giai thoại lẩu thả đến huyền thoại nước mắm tĩn