Theo dõi trên

Tủ sách nhân ái lan tỏa văn hóa đọc

29/09/2022, 05:56

Với mục tiêu xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc, tinh thần chia sẻ tri thức trong xã hội, chương trình “Tủ sách nhân ái” đã được nhân rộng tại nhiều trường học trong tỉnh, giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn và nâng cao tri thức.

Đầu tuần qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Tập đoàn AES - Chi nhánh tại Việt Nam tổ chức lễ trao tặng “Tủ sách nhân ái” và phát triển văn hóa đọc cho 3 trường học (Trường THCS Sơn Mỹ, Trường TH Sơn Mỹ 1 và Trường TH Sơn Mỹ 2) ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Theo đó, chương trình “Tủ sách nhân ái” đã tặng 70 tủ sách cho 3 trường với hơn 2.800 cuốn sách hay về kỹ năng sống, học làm người, danh nhân, học tiếng Anh, truyện thiếu nhi, sách khoa học, cờ vua... Khi tiếp nhận “Tủ sách nhân ái”, lãnh đạo nhà trường và các em học sinh của 3 trường rất phấn khởi. Đây là món quà vô giá mà nhà trường nhận được từ chương trình “Tủ sách nhân ái”. Bởi điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, việc trang bị sách phục vụ nhu cầu học tập cho các em học sinh còn hạn chế. Với nguồn sách được tặng từ chương trình “Tủ sách nhân ái” đã giúp nhà trường có thêm nguồn sách phong phú để các em tìm được những điều bổ ích. Sau khi tiếp nhận nguồn sách từ chương trình “Tủ sách nhân ái”, các trường hứa sẽ sử dụng tủ sách đạt hiệu quả tốt nhất, để sách sẽ không nằm trên kệ mà đến tay người đọc và quyển sách đó có giá trị đúng nghĩa.

cee8e42b-68da-43c2-84f3-d86c5ec085dd.jpeg
Giáo viên chương trình "Tủ sách nhân ái" giới thiệu sách cho học sinh.

“Tủ sách nhân ái” là một chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc xây dựng chuỗi các mô hình tủ sách và thư viện, kiến tạo hệ sinh thái đọc sách cho các trường học và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng văn hóa đọc, vun bồi trí tuệ và lòng nhân ái cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Những năm qua chương trình “Tủ sách nhân ái” đã đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng tủ sách, thư viện cho các trường học tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tại tỉnh Bình Thuận, từ năm 2018 chương trình “Tủ sách nhân ái” đã thực hiện tại các trường học trên địa bàn huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý... Đến nay “Tủ sách nhân ái” đã trao tặng hơn 600 tủ sách cho các trường học trên địa bàn 8/10 huyện của tỉnh Bình Thuận với hàng ngàn cuốn sách hay được lựa chọn từ các nhà xuất bản uy tín. Chương trình “Tủ sách nhân ái” đã góp phần hình thành kỹ năng đọc và nhiều kỹ năng mềm khác cho học sinh thông qua nhiều hoạt động như giới thiệu sách, các hoạt động trải nghiệm. Qua đó, đã phát huy tối đa tính tự lực của các trường học và địa phương trong việc xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc.

03e9885e-942d-421d-83a2-85b1ccb1dd7c.jpeg
Trao tặng "Tủ sách nhân ái" cho 3 trường học ở xã Sơn Mỹ.

Thực tế hiện nay tại các trường học, nhu cầu đọc sách của học sinh rất cao vì các em cần tài liệu tham khảo để bổ trợ cho việc học tập cũng như tiếp cận những điều bổ ích qua những trang sách, nhất là kỹ năng sống. Tuy nhiên, số lượng và đầu sách cần tìm đọc tại trường vẫn còn hạn chế nhất định nên các em phải tìm tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn, phần lớn là trên internet, trong đó có một số trang đưa thông tin không chính xác, có những em không có khả năng chọn lọc thông tin nên dễ bị “tác dụng ngược”, hoặc “ngộp” với lượng thông tin tràn lan trên internet, không tiếp cận được nội dung cần nghiên cứu. Đại diện chương trình “Tủ sách nhân ái” chia sẻ, thời gian tới chương trình sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường học trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên trao tặng “Tủ sách nhân ái” cho những trường quan tâm xây dựng văn hóa đọc và sử dụng hiệu quả nguồn sách được trao tặng.

THANH THỦY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khai mạc Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi
BTO- Sáng 27/9, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tỉnh đoàn khai mạc Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh lần thứ 2 năm học 2022-2023. Tham dự hội thi có 43 giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tủ sách nhân ái lan tỏa văn hóa đọc