Theo dõi trên

Từ tay trắng trở thành ông chủ nhà máy hạt điều

06/07/2016, 09:27

BT- Ông là Võ Công Thọ, hội viên nông dân thôn 2, xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, hiện là chủ DNTN Phú Thọ chuyên thu mua nông sản và chế biến nhân hạt điều. Năm 2014, ông được Hội nông dân các cấp bình xét nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, năm 2015 ông được Trung ương Hội Nông dân bình chọn danh hiệu nông dân xuất sắc và được tặng bằng khen của Bộ Tài chính, UBND tỉnh về thực hiện các chính sách thuế và các hoạt động từ thiện xã hội…

                
Xưởng chế biến hạt điều của gia đình ông Võ    Công Thọ.

Chúng tôi có cơ hội được gặp và trao đổi với ông. Ấn tượng ban đầu với chúng tôi đó là một con người thân thiện, giản dị và hòa đồng. Ông vui vẻ cho biết: Tôi lập gia đình từ năm 1993, tài sản chỉ là một chút vốn tích lũy được từ những ngày làm thuê ngay sau khi xuất ngũ, vợ chồng đã phải ở nhà thuê; đến năm 2004 mới mua được đất xây nhà, vất vả 10 năm trời với những công việc của nhà nông kết hợp mua bán nông sản nhỏ cộng với việc kinh doanh gặp may mắn nên trong 2 năm (2005 - 2006), tôi đã xây dựng nhà kho, sân phơi. Đến với nghề chế biến hạt điều cũng là một cơ duyên, trong những lần vào Long An mua bán, tôi đã phát hiện ra một điều: Long An không trồng điều nhưng họ lại đang làm giàu bằng chính hạt điều của quê mình, vậy tại sao mình không làm được? Thế là tôi lập kế hoạch kinh doanh mới, năm 2009 tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân lấy tên DNTN Phú Thọ, trùng với thời điểm ngành sản xuất, chế biến hạt điều vừa trải qua thời kỳ ảm đạm nên việc kinh doanh bước đầu khá phát triển. Năm 2011, tôi tiếp tục xây thêm một nhà máy trên diện tích 1 ha tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh với 300 công nhân làm việc. Mặc dù thời điểm đó kinh tế trong nước và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ sự quyết tâm và cố gắng phấn đấu của các thành viên trong gia đình, của các anh chị em công nhân trong doanh nghiệp cộng với sự tạo điều kiện và giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chúng tôi đã dần vượt qua. Hiện nay, tổng thu nhập bình quân của gia đình sau khi trừ chi phí trên 1 tỷ đồng/năm. Lao động của doanh nghiệp (trong đó có 200 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ) có mức lương từ 2 - 6 triệu đồng/tháng. Trong đó có hàng chục lao động được đóng BHXH, nộp ngân sách nhà nước bình quân mỗi năm 2 tỷ đồng.

Ngoài việc lo sản xuất kinh doanh phát triển để thu hút và tạo việc làm ổn định cho lao động, ông Thọ luôn chung tay đóng góp vào các hoạt động xã hội, trung bình mỗi năm doanh nghiệp ủng hộ 100 triệu đồng chi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Ngoài ra giúp các hộ nghèo, khó khăn mượn không lãi từ 400 - 500 triệu đồng đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp còn tài trợ cho xã Bắc Ruộng tổ chức 3 giải bóng chuyền “Mừng Đảng - Mừng Xuân” cúp Phú Thọ; tài trợ chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi…

Kết thúc cuộc trò chuyện ông chia sẻ thêm: “Với tôi uy tín, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp phải luôn đặt lên hàng đầu, người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp, do đó trong quá trình sản xuất kinh doanh tôi luôn trăn trở làm sao để người lao động được làm việc trong môi trường sạch, năng động, sáng tạo, có thu nhập khá và luôn hết lòng vì doanh nghiệp, gắn bó với doanh nghiệp,  chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm”.                                                                                                                             

Trung Kiên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ tay trắng trở thành ông chủ nhà máy hạt điều