Những năm gần đây, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuy Phong rất quyết liệt trong vấn đề này, khi đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, gắn với thực hiện Đề án số 2 ngày 17/12/2021 về “Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp trong các đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025”. Gần đây, ngày 24/11/2022, UBND huyện tiếp tục ban hành kế hoạch chuyên đề giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội và nhân dân trong giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xem đây là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm của thủ trưởng các cơ quan, ban ngành huyện và chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Qua đó, huyện Tuy Phong xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét từ nhận thức sang hành động để thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như tuyên truyền trực quan, trong sinh hoạt cơ quan, đơn vị, trên hệ thống mạng xã hội... Xây dựng phóng sự nêu gương người tốt, việc tốt, những mô hình bảo vệ môi trường đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện. Đồng thời, phản ánh, đưa tin những cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc có các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Lắp đặt các bảng cấm đổ rác bừa bãi, gắn với tuyên truyền, phổ biến các quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển rác thông qua việc thành lập các tổ, đội vệ sinh trên địa bàn các xã, thị trấn kết hợp với việc hướng dẫn người dân bước đầu thực hiện tốt các công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn. Từng xã, thị trấn phấn đấu tăng 1 - 2%/năm tỷ lệ rác thải sinh hoạt trong dân được thu gom, vận chuyển về bãi xử lý rác thải tập trung để xử lý bảo đảm quy định. Tiếp tục duy trì hoạt động bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh của huyện tại xã Phong Phú trong giai đoạn chưa có nhà máy xử lý rác tập trung. Ngoài ra, Ban Quản lý Cảng cá Phan Rí Cửa sẽ cấp phát các túi lưới đựng rác cho các ngư dân đi biển, vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn ngư dân sau mỗi chuyến biển tập kết vào các thùng rác được bố trí tại Cảng cá Liên Hương, Cảng cá Phan Rí Cửa. UBND các xã, thị trấn có biển xác định các “điểm đen” ô nhiễm rác thải ven biển qua đó, phân công trách nhiệm, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu gom, làm sạch bờ biển, xóa các “điểm đen”.
Những năm qua, huyện Tuy Phong đã có nhiều đợt phát động phong trào, ra quân làm vệ sinh, xử lý chất thải sinh hoạt quy mô lớn, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, cũng tham gia tổ chức thu gom, xử lý triệt để, không còn tồn tại hoặc phát sinh, nhất là các tuyến đường làng, ngõ xóm, tuyến đường liên xã, dọc quốc lộ 1A. Tổ chức gắn camera ghi hình ở những nơi thường xuyên tập kết rác thải không đúng nơi quy định, nhờ đó xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm về môi trường. Ngoài ra, huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án, khu xử lý rác thải tập trung. Rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt để thực hiện thu nạp, bảo đảm vệ sinh môi trường trước khi đưa về bãi chôn lấp để xử lý. Phấn đấu trong năm 2023, mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất 1/3 thôn, khu phố thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và 100% các xã, thị trấn thực hiện vào năm 2024. Nhanh chóng nhân rộng mô hình “phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và kết hợp làm phân compost tại xã Bình Thạnh”. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt…
Để làm tốt công tác này, quan trọng hơn cả là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương; các tầng lớp nhân dân và các tổ chức trong công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường. Đưa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình.