Xu hướng tất yếu
Những năm gần đây, thực trạng sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng đã và đang xảy ra. Điều này khiến đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái và tồn dư các chất độc hại trong đất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng và đầu ra sản phẩm… Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mô hình “ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây sầu riêng theo hướng an toàn sinh học tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc” cũng hướng đến mục đích ấy.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Trưởng ban Kinh tế xã hội – Hội Nông dân tỉnh cho biết, mô hình bắt đầu triển khai trong tháng 10 và 11/2023 với tổng kinh phí 230 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (dự kiến kéo dài 9 tháng). Số cây giống và vật tư bàn giao cho các hộ lần này bao gồm 1.060 cây sầu riêng, 240 kg đạm, 160 kg lân, 200 kg kali, 1.000 kg vôi, 130 kg chế phẩm sinh học, 15.000 kg phân hữu cơ. Qua đó cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp, từng bước hình thành vùng trồng sầu riêng an toàn với quy mô lớn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Hộ ông Lê Văn Kỳ và Nguyễn Hữu Trí là 2 trong số 10 hộ tham gia mô hình ở xã Đa Mi phấn khởi chia sẻ, họ rất vui mừng khi được Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức giao nhận giống, vật tư nông nghiệp, chế phẩm sinh học trong thâm canh cây sầu riêng. Đồng thời bà con được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ nông dân hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo hướng an toàn. Thông qua tập huấn, bà con mong nâng cao kiến thức trong việc sản xuất nông sản sạch, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập...
Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đa Mi là một trong các xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng tốt. Do đó, địa phương đã từng bước hướng dẫn, quy hoạch để người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cà phê, điều… với tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn trên 2.300 ha. Bên cạnh đó, hiện địa phương đã thử nghiệm thành công một số giống cây mới như sầu riêng Ri 6, sầu riêng Monthong Thái Lan, măng cụt ghép... thích nghi, phát triển với quy mô lớn. Ngoài ra, địa phương còn trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác như bơ, mít, xoài và các loại cây ngắn ngày phù hợp với điều kiện của địa phương như bắp, mì, đậu... góp phần làm cho nền kinh tế nông nghiệp của xã phát triển. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Đa Mi đang định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này không những giúp cho người dân tận dụng được mọi tiềm năng, thế mạnh của thổ nhưỡng, khí hậu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đa Mi mà còn là nền tảng cho người dân đầu tư ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như lai tạo giống mới, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng và các kỹ thuật chăm sóc nông nghiệp tiên tiến khác để nâng cao chất lượng sản phẩm...
Theo UBND xã Đa Mi, đến nay nhiều diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn xã đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó 2 giống chủ lực là Ri6 và Monthong với đặc trưng thơm ngon về chất lượng. Năng suất sầu riêng khi thu hoạch trung bình đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Sau khi trừ các chi phí, nông dân thu lãi từ 150-250 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Bằng, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây sầu riêng theo hướng an toàn sinh học tại xã Đa Mi với kỳ vọng các sản phẩm của mô hình sẽ đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào thâm canh cây trồng theo hướng an toàn. Mô hình sẽ là điểm nhấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhằm nhân rộng diện tích canh tác.