Theo dõi trên

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản xa bờ

02/02/2023, 05:24

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào khai thác hải sản không chỉ giúp ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong từng chuyến biển, giảm sức lao động chân tay mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nghề cá, phát triển nghề cá theo hướng bền vững.

Sử dụng đèn Led thu hút cá

Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình ứng dụng công nghệ mới, thiết bị hiện đại vào khai thác hải sản xa bờ, góp phần công nghiệp hóa – hiện đại hóa nghề cá của tỉnh. Trong đó mô hình “Ứng dụng công nghệ đèn Led trong khai thác hải sản” đang dần có bước phát triển đáng kể. Trong đánh bắt thủy sản, ngư dân sử dụng nhiều loại bóng đèn khác nhau để chiếu sáng thu hút cá như đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn cao áp… Nhưng công nghệ phổ biến nhất hiện nay của ngư dân là sử dụng đèn Metal Halide (thường gọi là đèn Silk) lắp trên hai mạn tàu để tập trung cá. Tuy nhiên, dùng đèn Silk vẫn có nhiều khuyết điểm, như hiệu suất phát sáng thấp mà chủ yếu điện biến thành nhiệt, ở tim đèn nóng tới hàng ngàn độ C; ánh sáng không tập trung chiếu xuống nước để dẫn dụ cá mà chiếu lên trời. Ngoài ra, việc sử dụng đèn Silk công suất lớn để phát sáng tập trung đàn cá dẫn đến sử dụng nhiều nhiên liệu dầu diesel dùng cho máy phát điện, gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là gây hại trực tiếp đến sức khỏe của ngư dân khi tiếp xúc với nguồn sáng có công suất lớn.

untitled_1.1.5.jpg
Nhiều ngư dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình mới (ảnh: N. Lân)

Do đó, để hạn chế những điểm yếu, các nhà sản xuất liên tục đưa ra những sản phẩm mới có tính năng cũng như hiệu quả chiếu sáng cao, đó là đèn Led. Qua đó, giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, an toàn cho người lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Nguyễn Thanh Bình – khu phố 4, phường Phú Hài là một trong những ngư dân đầu tiên áp dụng mô hình này trên tàu vỏ gỗ BTh 99441 TS có công suất 350CV, hoạt động nghề vây rút chì. Đưa mô hình vào hoạt động từ tháng 7/2018, sau nhiều chuyến biển tàu của anh Bình khai thác khá hiệu quả. Anh cho biết: “Qua thực hiện mô hình, lượng nhiên liệu mỗi chuyến giảm 1.000 lít và lượng dầu diesel để chong 40 bóng đèn Led mỗi đêm tiêu tốn 20 lít; trong khi đó, trước kia lượng dầu diesel tiêu tốn mỗi đêm để chong 11 bóng đèn cao áp là 30 lít. Ngoài ra, sử dụng đèn Led khi chong đèn, cá đứng đèn mạnh hơn so với bóng cao áp, đặc biệt là cá ngừ. Mô hình này đã giúp chúng tôi giảm được chi phí nhiên liệu, từ đó giảm chi phí cho mỗi chuyến biển”. Hiện nay, số lượng tàu thuyền khai thác kết hợp ánh sáng trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.700 chiếc, bao gồm các nghề lưới vây rút chì, lưới mành, câu mực, pha xúc và mành chụp; do đó khả năng nhân rộng mô hình này rất lớn.

z3793113061072_cd554b02c872d81948c77e96795668b3.jpg
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thật giúp ngư dân khai thác đạt hiệu quả cao

Nhiều mô hình hay

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai mô hình hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá. Hầm được sử dụng vật liệu Polyurethane và bọc tấm composite bên ngoài đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng giữ nhiệt, kéo dài thời gian bảo quản hải sản. Tại Bình Thuận, việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới để cải hoán hầm bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá được nhiều ngư dân quan tâm. Từ mô hình ban đầu sử dụng vật liệu cách nhiệt PU, đến nay đã nhân rộng cho hơn 500 tàu đánh bắt xa bờ cải hoán, thay thế dần công nghệ bảo quản mới. Không chỉ vậy, đội tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển phát triển khá mạnh ở tỉnh ta, đã trang bị hệ thống cấp đông tiên tiến, hầm cách nhiệt bằng vật liệu mới nhằm giảm tổn thất trên biển. Nhờ đó, đội tàu này chuyên thu mua các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: mực các loại, nhiều loại cá có giá trị kinh tế chuyên cung cấp cho các nhà máy, công ty chế biến xuất khẩu hải sản.

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Đến nay đã nhân rộng cho hơn 500 tàu đánh bắt xa bờ cải hoán, thay thế dần công nghệ bảo quản mới.

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông còn đưa vào áp dụng mô hình máy lọc nước biển thành nước ngọt. Mô hình này rất cần thiết cho đội tàu đánh bắt xa bờ vì thời gian cho mỗi chuyến ra khơi kéo dài 2 – 3 tháng, nên nhu cầu nước ngọt trên tàu rất lớn. Nhằm giúp ngư dân giải quyết vấn đề nước ngọt sinh hoạt trên tàu, tiết kiệm thời gian lấy nước ngọt cho mỗi chuyến ra khơi, tiết kiệm nhiên liệu khi phải chở theo 1 lượng lớn nước ngọt từ đất liền; đồng thời đảm bảo nguồn nước an toàn cho ngư dân ăn uống, sinh hoạt. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông thực hiện hỗ trợ 1 mô hình về máy lọc nước biển thành nước ngọt với công suất lọc 27 lít/giờ với chi phí gần 170 triệu đồng. Trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ trang bị thêm 4 máy lọc nước biển với công suất lọc 200 lít/giờ trên tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao, nên nhiều ngư dân chưa mạnh dạn áp dụng mô hình. Nhưng nếu làm bài toán đường dài thì mô hình này sẽ giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí sau mỗi chuyến biển trong thời buổi giá xăng dầu tăng cao và đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ được ngư dân Bình Thuận ngày càng chủ động và mạnh dạn áp dụng các mô hình mới. Nếu Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá sẽ là động lực tiếp sức cho những ngư dân quyết tâm bám biển, vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hơn 3.000 chiếc tàu đánh bắt xa bờ
BTO - Hiện Bình Thuận có 7.088 chiếc tàu thuyền/1.051.479 CV, trong đó có 3.014 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ và đây cũng là đối tượng thường gặp nguy hiểm khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, gió mạnh trên biển.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản xa bờ