Trong các vùng nguồn sóng thần khu vực biển Đông và lân cận, vùng nguồn Máng biển sâu Manila/Phi-líp-pin được đánh giá là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Khi xảy ra động đất với độ lớn cực đại lên đến M = 9.3 tại khu vực này thì mức độ nguy hiểm sóng thần tác động trên toàn dải ven biển Việt Nam được phản ánh dưới dạng cấp độ rủi ro thiên tai sóng thần.
Tỉnh Bình Thuận đã từng xảy ra trận động đất ở ngoài khơi vào sáng 15/7/2020, các nhà khoa học đánh giá đây là dấu hiệu mới cần phải theo dõi, đề phòng và chủ động biện pháp ứng phó nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra. Tại vùng biển của Bình Thuận từ trước đến nay không thuộc vùng có địa chấn hoạt động mạnh nên chỉ cần đề cao cảnh giác. Trận động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Thông thường, vấn đề quan ngại đối với những trận động đất mạnh xảy ra ở ngoài khơi là khả năng xảy ra sóng thần. Những trận động đất cường độ cực lớn có thể gây những đợt sóng thần nguy hiểm mang tính hủy diệt. Tuy nhiên, trận động đất xảy ra ngoài khơi của tỉnh quá nhỏ để có thể gây ra sóng thần. Hiện tượng động đất ngoài khơi còn xảy ra ở khu vực miền Trung như: Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên). Những trận động đất này chỉ ở mức trung bình, không gây ra thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, thậm chí người dân vẫn đánh bắt cá bình thường.
Để chủ động ứng phó hiệu quả với thảm họa động đất, sóng thần thuộc các tỉnh ven biển trong đó có Bình Thuận, ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần. Theo đó, các ngành, địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thảm họa động đất, sóng thần tạo ra sự đồng thuận giữa mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư. Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó. Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó. Đồng thời tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án. Các lực lượng, phương tiện được giao nhiệm vụ phục vụ cho ứng phó động đất, sóng thần đó là: Bộ Quốc phòng có các đội bay tìm kiếm cứu nạn đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, lực lượng không quân thuộc Quân chủng Hải quân và Binh đoàn 18, các đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Quân y cứu trợ thảm họa, thông tin liên lạc cơ động ứng phó thiên tai, thảm họa... Bộ Công an có các đơn vị Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát môi trường, các đơn vị bảo vệ an ninh trật tự, các cơ quan giám định tư pháp hình sự, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Bộ Giao thông Vận tải có Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không, Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn hàng không và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam… Các bộ, ngành khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Các trung tâm thông tin chuyên ngành thủy sản, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy sản, nông, lâm nghiệp, các công ty thủy lợi... Bộ Công Thương có các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác mỏ, dầu khí, vận tải biển, tài nguyên môi trường… Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành và lực lượng, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải, tài nguyên môi trường, thông tin, viễn thông... đứng chân trên địa bàn.
Ngoài ra, các tàu, thuyền, phương tiện thủy của các tổ chức, cá nhân, ngư dân do UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý phương tiện hoặc được quyền huy động khi có vụ việc. Các đội xung kích, các đơn vị dân quân tự vệ các địa phương. Các lực lượng như lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong và ngoài khu vực theo thỏa thuận hợp tác với Việt Nam hoặc do Việt Nam thuê. Các tàu vận tải quốc tế đang hoạt động trong vùng lãnh thổ Việt Nam hoặc có hải trình quốc tế gần vị trí tàu, thuyền của Việt Nam gặp nạn...