Đây chính là nơi bắt nguồn của 4 câu thơ nổi tiếng Bác Hồ tặng thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc và giành thế chủ động trên chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu to lớn của cuộc kháng chiến, lực lượng thanh niên xung phong, đội quân chủ lực bảo vệ cầu đường vận chuyển lương thực, đạn dược… được huy động. Quốc lộ 3 chạy từ Hà Nội qua Thái Nguyên, Bắc Kạn lên Cao Bằng không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông Dương mà còn là tuyến giao thông huyết mạch của chiến trường toàn quốc.
Thấy rõ vai trò quan trọng của con đường số 3 đối với công cuộc kháng chiến của ta, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt các khu vực trọng điểm hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này.
Để tăng cường lực lượng tham gia phục vụ tác chiến và đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Trung ương Đoàn được thành lập tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Với sự lớn mạnh không ngừng, đến tháng 3/1951, đội TNXP đã phát triển lên đến 3.000 người, gồm 9 Liên phân đội; trong đó có Liên phân đội TNXP 312 (còn gọi là Liên phân đội TNXP Hồ Tùng Mậu) cũng được ra đời trong thời gian này.
Sau khi được thành lập, lực lượng TNXP đã tích cực mở đường, bảo đảm giao thông, tham gia phục vụ chiến đấu.
Sau khi được thành lập, theo sự điều động của Trung ương, Liên phân đội TNXP 312 đã di chuyển lên Bắc Kạn phối hợp với quân và dân ở đây thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cây cầu Nà Cù và đoạn đường Nà Cù - Phủ Thông.
Sau chiến thắng Biên giới 1950, việc đảm bảo giao thông trên tuyến đường số 3 càng được chú trọng hơn. Tháng 3/1951, Bác Hồ trực tiếp lên miền biên giới thị sát tình hình, kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, Cao Bằng; đồng thời thăm lực lượng TNXP và các đơn vị vận tải kho hàng dọc tuyến.
Bác Hồ thăm Liên phân đội TNXP 312, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường số 3 phục vụ kháng chiến, tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, Cẩm Giàng, tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 28/3/1951, trên đường đi kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, Cao Bằng; đồng thời thăm lực lượng TNXP và các đơn vị vận tải kho hàng dọc tuyến đường số 3, Bác Hồ đã ghé thăm đơn vị TNXP 312.
Sau khi ân cần hỏi thăm, Bác nhắc toàn thể cán bộ và đội viên TNXP phải có kế hoạch làm việc, khắc phục khó khăn, đoàn kết và tổ chức tốt công tác thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Bác đã dành tặng cán bộ, đội viên Liên phân đội TNXP 312 bốn câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Liên phân đội 312 TNXP tại khu lán trại công trường.
Buổi gặp mặt thân mật giữa Bác với phân đội TNXP 312 tại khu rừng Nà Tu diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, nhưng những gì đọng lại đã làm nên lịch sử. Lời dạy của Bác đã được các cán bộ, chiến sĩ, đội viên TNXP ghi nhớ và học thuộc, trở thành phương châm hành động trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng hành cùng thanh niên Việt Nam xuyên suốt những chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 18/3/1996 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận và xếp hạng Di tích Nà Tu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trước đây, Di tích Nà Tu được xây dựng trên nền đất cũ với diện tích chỉ vẻn vẹn 168m2, gồm bia tạc 4 câu thơ của Bác và tường rào bao quanh. Từ năm 2012, UBND tỉnh Bắc Kạn giao cho Tỉnh đoàn trực tiếp quản lý, khai thác.
Xác định được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Di tích lịch sử TNXP Nà Tu đối với tỉnh Bắc Kạn nói riêng và với cả nước nói chung, từ năm 2014 - 2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã lập hồ sơ quy hoạch và đề án xây dựng, mở rộng quy mô diện tích lên đến 11.000m2 gồm các hạng mục: Nhà tiếp đón trưng bày, nhà tưởng niệm Bác Hồ, cụm tượng đài “Bác Hồ với TNXP”, sân hành lễ, sân cắm trại,… nâng khu Di tích lên quy mô mới xứng tầm với Di tích cấp Quốc gia.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của Di tích chính là cụm tượng “Bác Hồ với TNXP” với tổng diện tích hơn 271m2, cao 7,2m, gồm 9 nhân vật, trong đó đứng chính giữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đôi mắt sáng ngời với niềm tin tất thắng; 08 nhân vật còn lại là hình tượng các cán bộ, đội viên phân đội TNXP 312.
Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn duyệt đội ngũ tại Di tích lịch sử TNXP Nà Tu.
Công trình này được thiết kế đặc biệt dành riêng cho khu Di tích lịch sử TNXP Nà Tu, tỉnh Bắc Kạn, toát lên được ý nghĩa lịch sử hào hùng và hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lực lượng TNXP Việt Nam.
Di tích lịch sử TNXP Nà Tu, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư, tôn tạo khang trang, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ, là nơi tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, báo công dâng Bác của đoàn viên, thanh niên.
Đây cũng là di tích được đón nhiều đoàn cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi tới công tác tại tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 26/10/2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đến dâng hương, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích TNXP Nà Tu.
Ngày 17/5/2022, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cùng đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử TNXP Nà Tu.
Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn công tác đến thăm,
dâng hương tại Khu di tích TNXP Nà Tu.
Bốn câu thơ Bác Hồ tặng TNXP đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam, thôi thúc tuổi trẻ vững tâm, bền chí, không tiếc máu xương cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các báo Bắc Kạn, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Hải Phòng tham quan Khu di tích lịch sử TNXP Nà Tu.
Về thăm Di tích lịch sử TNXP Nà Tu, mỗi chúng ta thêm dịp ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ thanh niên Việt Nam, khắc ghi công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cha anh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc./.