BT- Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập 53 đoàn thanh kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), với tổng số cơ sở đã kiểm tra 1.372. Bao gồm 51 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 1.136 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 185 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra phát hiện số cơ sở vi phạm 419, số cơ sở vi phạm bị xử lý 97 với tổng số tiền phạt là 198.450.000 đồng. Trong tháng hành động vì ATTP năm 2017, tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành gồm Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì. Đoàn đã tổ chức kiểm tra thực tế tại các cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi quản lý từng ngành. Đặc biệt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau, thịt, thủy sản tươi sống, thực hiện các cam kết bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật nhằm hướng đến chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ 15/4 - 15/5: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn,...
Ngành chức năng cần liên tục tổ chức thanh, kiểm tra như đã nêu nhằm phát hiện những cơ sở vi phạm, đồng thời xử lý, xử phạt những cơ sở đó nghiêm minh để răn đe. Tuy nhiên vấn đề VSATTP không chỉ về phía góc độ những nhà quản lý mà cần thông tin, tuyên truyền rộng khắp đến người dân, kể cả người sản xuất về chất lượng các hàng hóa đang lưu hành. Có những biện pháp hiệu quả để buộc người sản xuất, người bán phải tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa. Quản lý chặt chẽ các loại thuốc thú y, các hóa chất phụ gia thực phẩm bày bán công khai trên thị trường. Xử phạt nặng những trường hợp vi phạm. Về phía nhà sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định bảo đảm ATVSTP, có giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Không được sử dụng các hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép, không rõ nguồn gốc. Về phía người tiêu dùng khi mua hàng cần chú ý đến thương hiệu, thời hạn sử dụng, các chỉ tiêu dinh dưỡng và chỉ tiêu liên quan đến VSATTP ghi trên nhãn hàng…
Hà Thu Thủy