Theo dõi trên

Về lại chiến khu Lê!

04/04/2025, 05:08

“Rừng Ô Rô đã biến thành khu lịch sử; Nước Bàu Thiêu pha máu đỏ chống quân thù”. Tháng tư lịch sử, chúng tôi trở lại xã Hồng Phong, một trong những vùng căn cứ cách mạng của Bình Thuận trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù địa hình nơi đây hiểm trở, chỉ có gió và cát, thiếu nước nhưng dân và quân vẫn bám trụ chiến đấu. Trải qua bao gian khó, thử thách, vùng đất cát, khô hạn đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ với những tiềm năng, lợi thế dần được đánh thức.

Khu Lê ngày mới

Nắng tháng 4 rực rỡ, làm bừng sáng cả vùng đất khu Lê. Từ TP. Phan Thiết, chưa đến 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến khu Lê (huyện Bắc Bình) trên tuyến đường nhựa khang trang. Gió tháng 4 thổi mạnh từng cơn, những cồn cát mịt mù trên các cung đường, nhưng thấp thoáng xa xa là những trụ điện gió khổng lồ đứng sừng sững, các cánh đồng pin mặt trời nối tiếp nhau trải dài trên các đồi bãi chập chùng. Có thể thấy, những năm gần đây, khu Lê thu hút nhiều dự án điện mặt trời, điện gió, được xem là cơ may cho vùng đất vốn nghèo khó, phụ thuộc nông nghiệp truyền thống với nước trời là chính. Chính những dự án năng lượng tái tạo “đổ bộ” nơi đây, đã trực tiếp lẫn gián tiếp giúp đa số người dân khu Lê đổi đời. Không ít hộ dân có số tiền lớn từ đền bù đất, từ chuyển nhượng đất với giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn, những căn nhà mái thái khang trang mọc lên, xe ô tô không còn là chuyện gì đó xa vời với vùng Hồng Phong, Hòa Thắng. Nhiều hộ dân từng lệ thuộc nghề nông “một nắng hai sương” nay cũng chuyển sang làm dịch vụ, “ăn theo” ngành công nghiệp đang lên ngôi ở đây. Tất cả đã tạo nên một khu Lê năng động, hiện đại và đời sống người dân khấm khá không ngờ.

duong-giao-thong-o-xa-hong-phong-anh-n.-lan-4-.jpg
Tuyến đường nhựa khang trang ở xã Hồng Phong. Ảnh: N.Lân

2 xã vùng trung tâm của khu Lê đang trên bước đường xây dựng nông thôn mới nâng cao. Những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân đã cho thấy một diện mạo hoàn toàn mới. Nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, sức sống mới đang hiện diện từng ngày trên vùng đất anh hùng. Các tiềm năng, lợi thế riêng biệt cũng được khai thác tốt. Nắng, gió trở thành điều kiện lý tưởng để phát triển công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo, du lịch với loại hình đặc trưng riêng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

du-an-dien-mat-troi-tuy-phong-3-.jpg
Những tấm pin mặt trời nối tiếp nhau trải dài trên các đồi vắng khô cằn. (ảnh: N. Lân)

Lần trở lại này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ một vài cựu chiến binh, họ đã từng chứng kiến sự đổi thay diện mạo ở vùng đất kháng chiến ấy. Ông Trần Thanh Bình (50 năm tuổi Đảng), ở thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong, nguyên Chủ tịch UBND xã Hồng Phong vào năm 1987, cũng là 1 trong số những người tham gia kháng chiến tại căn cứ Khu Lê Hồng Phong. Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, ông sinh sống cùng con cháu trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp.

Nhấp chén trà đậm, nhìn ra không gian xanh mát xung quanh, ông Bình suy tư, tìm về ký ức. Đầu tháng 4/1975, Khu căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong giảm hẳn tiếng bom gầm, đạn rú, đồng bào vùng căn cứ, đôi tai thính theo dõi tin vui chiến thắng dồn dập đưa về. Ngày 19/4/1975, Bình Thuận được giải phóng, ngày 30/4/1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Đây đó tiếng hò reo, giải phóng thực sự rồi, độc lập tự do thực sự rồi bà con ơi. Họ nắm chặt tay nhau ôm chầm lấy nhau khóc mừng thắng lợi. Cùng với niềm vui giải phóng là công cuộc bắt tay gầy dựng cuộc sống sau chiến tranh. Ông Bình kể: “Không trăn trở, lo âu sao được bởi phía trước là dãy số không. Không có lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cũng không; không có nước sạch, không có nhà ở; không đường, không trường, không trạm và điện cũng không… Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới, độc lập, tự do. Bao nhiêu năm khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh của chiến tranh vô cùng tàn khốc. Thời gian sau giải phóng, vùng rốn khu Lê nay là xã Hồng Phong và xã Hòa Thắng đã có những bước phát triển mạnh mẽ”.

z6373524590725_c2eca58c34f44f959ca5f68f46abe5e9.jpg
Ông Nguyễn Xuân Khôi (giữa) kể về thời chiến đã qua.

Vùng đất anh hùng

Sự đổi thay theo chiều dài lịch sử cũng được ông Nguyễn Xuân Khôi (thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong) năm nay hơn 80 tuổi chia sẻ thêm: “Tôi là người chứng kiến quê hương từ khi bị bom cày đạn xới, đến nay đã có sự phát triển mạnh mẽ. Từ vùng đất chỉ có làm nông nghiệp trồng đậu, trồng bắp, dưa… nhưng khi có các dự án công nghiệp về địa phương, bà con nơi đây có công ăn việc làm ổn định hơn, đời sống ngày càng khấm khá”.

nha-may-nuoc-xa-hong-phong-anh-n.-lan-.jpg
Nhà máy nước Khu Lê. (ảnh: N. Lân)

Tháng 12/2001, Hồng Phong được huyện Bắc Bình đầu tư khởi công lắp đặt đường ống nước từ thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng đến xã Hồng Phong có chiều dài khoảng 10 km. Đến tháng 12/2004 hoàn thành lắp đặt, đường ống nước sạch đã về đến xã Hồng Phong khiến nhân dân hết sức vui mừng, phấn khởi. Ngay trong tháng 4/2004, xã đã xét đặt ống nước vào nhà sử dụng… Từ đó, nhu cầu bức thiết trong cuộc sống hàng ngày, kéo dài bao đời nay, xã khô hạn Hồng Phong đã được giải quyết. Đáng phấn khởi hơn, khi tháng 4/2012, dự án cấp nước khu Lê được khởi công, với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng, xem như bài toán thiếu nước cơ bản được giải quyết. Công trình đưa vào sử dụng không những phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào phát triển du lịch.

Nhìn lại vùng đất khu Lê nói chung và Hồng Phong nói riêng, từ một vùng đất nắng cháy, đồi cát khô cằn, thiếu nước, gần 10 năm trở lại đây, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp đã trồng thành công nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao như: thanh long, nho ngoại và đặc biệt là dưa lưới.

z6403242307477_a308e0288bc4077096348377a199b5ec.jpg
Vùng đất anh hùng đang khoác lên mình chiếc áo mới.

Ông Bùi Tấn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Bình chia sẻ, địa phương mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống quy hoạch. Trong đó có quy hoạch về phát triển du lịch, quy hoạch về dự trữ và khai thác khoáng sản titan linh hoạt hơn, cũng như đầu tư hơn nữa kết cấu hạ tầng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Nhân dân Hòa Thắng, Hồng Phong cũng đang tiếp tục đón chờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Và bản thân người dân Hòa Thắng, Hồng Phong cũng tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và có khát vọng vươn lên làm giàu. Chúng tôi tin tưởng nhân dân của Hòa Thắng, Hồng Phong sẽ tiếp tục có bước chuyển mình nhiều hơn nữa trong thời gian đến” - ông khẳng định.

Khu Lê từng ngày đang “thay da đổi thịt”. Sức sống đó không chỉ xuất phát từ truyền thống kiên cường của dân nơi đây, mà quan trọng hơn cả là sự tiếp sức của các cấp, các ngành, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh trong hoàn thiện hạ tầng. Song song đó, tiếp tục thu hút các dự án lớn có tính chiến lược lâu dài, trong đó ưu tiên các dự án dịch vụ, du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các dự án năng lượng tái tạo… để có thể viết tiếp một trang sử khác trong thời bình.

Khi trang sử trước đó cho thấy Căn cứ Khu Lê Hồng Phong đã làm tròn nhiệm vụ của một hậu phương vững chắc, vừa đảm bảo hậu cần tại chỗ vừa làm bàn đạp cho quân ta tấn công tiêu diệt địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Để bây giờ, sau 50 năm giải phóng, vùng đất khu Lê đã bừng sáng theo nghĩa bóng như cảm nhận của bao người đã đến đây.

Căn cứ Khu Lê Hồng Phong (khu Lê) là một trong những căn cứ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Căn cứ rộng khoảng 600 km, chạy dọc ven biển và quốc lộ 1A, từ vùng Giếng Nước (Hòa Phú, Tuy Phong) đến vùng đá Ông Địa (Phú Hài, Phan Thiết). Từ ngày thành lập căn cứ đến ngày kháng chiến thắng lợi (1950 - 1975), tuy luôn bị địch bao vây, đánh phá ác liệt, nhưng quân và dân khu Lê vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, đập tan những trận càn quét của quân thù.

MINH VÂN - KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khu Lê “bừng sáng”
Khu Lê không chỉ đặc biệt trong chiến tranh mà trong thời bình, khi chủ trương phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh triển khai đã khiến vùng kháng chiến cũ này “bừng sáng”...
Nổi bật
Về lại chiến khu Lê!
“Rừng Ô Rô đã biến thành khu lịch sử; Nước Bàu Thiêu pha máu đỏ chống quân thù”. Tháng tư lịch sử, chúng tôi trở lại xã Hồng Phong, một trong những vùng căn cứ cách mạng của Bình Thuận trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù địa hình nơi đây hiểm trở, chỉ có gió và cát, thiếu nước nhưng dân và quân vẫn bám trụ chiến đấu. Trải qua bao gian khó, thử thách, vùng đất cát, khô hạn đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ với những tiềm năng, lợi thế dần được đánh thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về lại chiến khu Lê!