Du lịch Côn Đảo ngoài những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, những địa điểm tâm linh như chùa Núi Một, miếu Bà Phi Yến, miếu Cậu… thì khá nhiều du khách đã không thể bỏ qua nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương nơi có mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Mộ cô Sáu ở dưới một gốc cây dương. Nghĩa trang Hàng Dương được phân thành 3 khu là A, B và C, chôn cất khoảng 20.000 tù nhân. Trong đó, mộ cô Sáu thuộc khu C. Mộ cô Sáu luôn có người tới cúng viếng nhất là ban tối. Côn Đảo còn có nghĩa trang Hàng Keo có tổng diện tích khoảng 80.000m2, là nơi chôn hơn 10 nghìn tù nhân do Pháp giam cầm.
Đến đây chúng tôi dành trọn một buổi để đi thăm lại nhà tù Côn Đảo còn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nhìn những phòng giam nhỏ, dãy nhà tù hẹp có chỗ chỉ 1 người đi lọt, những tượng tù nhân được mô phỏng lại ai cũng cảm thấy rùng mình và khâm phục cho ý chí của những tù nhân ở đây.
Các trại giam Phú Tường, Phú Hải được ví như những “địa ngục trần gian” thật kinh khủng. Đây là hệ thống nhà tù do thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị trong thời kỳ kháng chiến. Trại giam Phú Tường được xây dựng vào năm 1940, thuộc hệ thống Trung tâm cải huấn - trại Phú Hải. Nơi đây được mệnh danh là “chuồng cọp kiểu Pháp”. Trại Phú Hải là nhà tù cổ và lớn nhất tại Côn Đảo. Nhà giam này thuộc hệ thống các trại tù khổ sai được ví là “địa ngục trần gian”. Phòng giam số 7, nơi chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo ra đời (cuối năm 1932), sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự đóng góp của Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh... Chị Trần Thị Kiệm, 72 tuổi ở phường Xuân An, Phan Thiết, Bình Thuận cùng đi với tôi thốt lên: “Đã nghe chú ruột chị bị giam ở đây kể về hồi bị giam, giờ tận mắt nhìn thấy mới xót xa cho những người bị địch giam cầm, sự tàn ác của những tên cai ngục”. Còn bà Ngô Thị Công, nguyên là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị Bình Thuận được Bảo tàng Côn Đảo mời riêng ra Côn Đảo họp mặt. Bà bị địch kêu án 5 năm đày ra Côn Đảo 2 lần với những ký ức không bao giờ quên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Đến năm 18 tuổi trong một lần đi liên lạc lấy thư về bà đã bị bắt. Người đảng viên, người phụ nữ kiên cường dù bị địch tra tấn bao đòn roi, đổ nước xà phòng vào miệng, kim chích đầu ngón tay… dã man nhưng vẫn không một lời khai về tổ chức. Nghe bà kể những ngày bị địch giam trong chuồng cọp, giam ở trại 6B bị địch tra tấn “tơi tả” với đủ hình thức giờ nghĩ lại vẫn rùng mình. “Trải qua những năm tháng trong tù được rèn luyện, còn gọi là trường học cộng sản nên kiên định lý tưởng cách mạng lắm em. Ngày giải phóng trại tù nhiều cảm xúc lắm, tụi chị ào ra sân như đàn chim vỡ tổ vậy. Mừng, vui lắm!” Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền lành, phúc hậu gần 70 tuổi này tôi không khỏi kính phục về ý chí ngày xưa của bà.
Những ngày ở Côn Đảo với bao cảm xúc về hòn đảo của quê hương. Được biết thêm, Côn Đảo sẽ được phát triển thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử - tâm linh tầm cỡ quốc tế. Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 417/QĐ- TTg được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045. Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt hòn đảo nhỏ xinh đẹp, hy vọng sẽ có dịp quay trở lại để thấy nơi này đẹp hơn, thu hút hơn nữa... với những ký ức không bao giờ quên!