Theo dõi trên

Vì sao đầu năm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giảm?

28/02/2023, 05:48

Năm 2022, tuy có nhiều khó khăn do hậu quả của dịch Covid - 19 để lại, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của người dân nên kết thúc năm tài chính nhiều chỉ tiêu an sinh xã hội đã đạt và vượt.

z4130330991644_09988b95bc83c0e6b9a0b7a2dfd2ef8d.jpg
Khám sức khỏe cho học sinh tiểu học

Trong lĩnh vực BHYT, toàn tỉnh có 1.145.928 người tham gia, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Bình Thuận đạt 91,52% dân số, vượt 0,02% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ 99,8%. Có 58.918/63.280 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp mức sống trung bình tham gia, (trong đó, 16.742 người tham gia BHYT theo hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; 42.176 người tham gia theo nhóm khác), đạt tỷ lệ 93,1%... Song, bước sang năm 2023 số người tham gia BHYT có chiều hướng sụt giảm.

Đến đầu tháng 2/2023, số người tham gia BHYT (thẻ đang còn hạn sử dụng) là 1.025.594 người, giảm 87.552 người (giảm 7,86%) so cuối năm 2022. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 88,2% dân số, giảm 3,32% so tháng 12/2022. Số người tham gia BHYT giảm nhiều ở các nhóm: Hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giảm 14.164 người; hộ gia đình nghèo, cận nghèo giảm 8.962 người; HSSV giảm 7.522 người; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giảm 8.642 người; trẻ em dưới 6 tuổi giảm 557 người...

Có thể nói, đầu năm 2023, công tác phát triển người tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do: Tỷ lệ bao phủ BHYT của các xã nông thôn mới trên toàn tỉnh còn thấp, có xã đạt chỉ tiêu BHYT để về đích nông thôn mới, nhưng sau đó không duy trì được tỷ lệ bao phủ BHYT. Số người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT với thời gian ngắn (từ 1-3 tháng) khi thẻ BHYT hết hạn, chưa tham gia lại. Tỷ lệ đáo hạn BHYT dưới 3 tháng đạt thấp (78,8%), đến cuối năm 2022, vẫn còn 20.234 người chưa đáo hạn lại. Mặt khác, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, giảm từ ngày 1/7/2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; đến nay dù đã tích cực vận động tuyên truyền hoặc huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, nhưng vẫn còn số lượng lớn người dân chưa tham gia lại, (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); người đang sinh sống tại vùng khó khăn thuộc xã bãi ngang ven biển (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) giảm từ ngày 1/1/2022 theo Quyết định số 353 ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã vận động tiếp tục tham gia theo các nhóm, hiện còn 1.278 người chưa tham gia lại. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có một số nguyên nhân chủ quan, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, mở rộng người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế không quan tâm đến việc tham gia BHXH, BHYT; người sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn thì có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không chủ động tham gia. Mặt khác, hoạt động của tổ chức dịch vụ thu còn nhiều hạn chế, nhân viên thu chưa bám sát địa bàn phụ trách để vận động tuyên truyền.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan nói trên đã dẫn đến kết quả phát triển người tham gia BHYT còn hạn chế, đầu năm tỷ lệ bao phủ BHYT tại các địa phương đều sụt giảm. Để đạt chỉ tiêu về an sinh xã hội nói chung và chỉ tiêu bao phủ BHYT nói riêng của năm 2023, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo khắc phục những tồn tại nói trên; đồng thời có giải pháp để phát triển số người tham gia BHYT bền vững.

NHẬT HOÀNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo hiểm xã hội Bình Thuận: Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
Năm 2022, tập thể công chức, viên chức, người lao động BHXH Bình Thuận đã đoàn kết, gắn bó, luôn nêu cao tinh thần thực thi đạo đức công vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao đầu năm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giảm?