Đến hết tháng 7/2022 tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 14,8 % lực lượng lao động. Để thực hiện mục tiêu trong những năm tới có 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, đòi hỏi phải có bước đột phá trong nhận thức và hành động của đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Thời gian qua, ngành BHXH thường xuyên phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông thực hiện tốt các nội dung quy chế phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp trong công tác đôn đốc thu nợ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT… Nhờ vậy, trong 7 tháng đầu năm 2022, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã có những chuyển biến rõ nét, số người tham gia tăng dần qua từng tháng. Đặc biệt là số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tăng 6.144 người, tham gia BHTN tăng 6.180 người so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, việc phát triển người tham gia BHXH trong các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Nợ BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (5,92% so với dự toán thu).
Nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Có doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng số lượng lao động ảo, không đúng số đã đăng ký với các cơ quan chức năng; thậm chí có doanh nghiệp hoạt động thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và ngừng hoạt động do kinh doanh kém hiệu quả (hiện có 142 đơn vị không còn tồn tại, không hoạt động, số tiền nợ BHXH hơn 12.621 triệu đồng); công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong số gần 2.000 đơn vị chưa tham gia BHXH do cơ quan thuế cung cấp đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (dưới 5 lao động) với hình thức hộ kinh doanh cá thể chiếm 58,8% số đơn vị chưa tham gia. Các đơn vị này chủ yếu sử dụng lao động thời vụ, lao động gia đình, ít quan tâm đến chế độ, chính sách an sinh xã hội, nên không đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; có doanh nghiệp còn cố tình “lách luật” không tham gia hoặc có đăng ký tham gia, nhưng chưa đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia bắt buộc, như: Giảm lao động chính thức và tăng lao động thời vụ hoặc khoán công nhật… Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn chưa đủ mạnh, nên chưa đảm bảo sự chế tài đối với chủ sử dụng lao động; tạo cho chủ doanh nghiệp có điều kiện lợi dụng, trốn tránh trách nhiệm, không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Một bộ phận người lao động khi ngừng việc thường muốn thanh toán BHXH một lần mà không muốn tiếp tục tham gia để hưởng chế độ lúc tuổi già…Những nguyên nhân nói trên phần nào đã ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHXH trong lực lượng lao động.
Để hạn chế tình trạng “lách luật” này, ngành BHXH đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền với hình thức tổ chức hội nghị có tính chất chuyên đề để triển khai tới các cấp lãnh đạo, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý lao động, quản lý về BHXH trong các doanh nghiệp. Tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm pháp lý của mình trong việc đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH của người lao động cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Thuế, Lao động – Thương binh và Xã hội…để nắm bắt kịp thời doanh nghiệp phát sinh, từ đó có kế hoạch quản lý, hướng dẫn đơn vị chấp hành pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị có hành vi để nợ BHXH, BHYT kéo dài, sử dụng tiền đóng BHXH sai mục đích làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.