Theo dõi trên

Vì sao số vụ, số người bị thương do TNGT tăng cao?

15/01/2024, 05:47

Năm 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, tỉnh ta chỉ giảm được 1 tiêu chí về số người chết, các tiêu chí còn lại đều tăng so với năm trước…

Hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch “Năm An toàn giao thông 2023” và phân công, chỉ đạo triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, ban hành hơn 50 văn bản trực tiếp chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đầy đủ nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và trên 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.

z4915942038225_20fed2db4c11705e85907dd5b4e50741.jpg
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Trên tinh thần đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh, triển khai sâu rộng đến cơ sở bằng nhiều hình thức như: Thông qua các cơ quan thông tin truyền thông, hệ thống thông tin ở cơ sở, tuyên truyền trực tiếp tại các xã, thị trấn, trường học, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, khu công nghiệp, các cơ sở tôn giáo. Duy trì các mô hình về bảo đảm ATGT; gọi hỏi răn đe đối tượng thanh thiếu niên, tụ tập gây rối trật tự công cộng, trật tự giao thông… Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhất là việc chấp hành quy định nồng độ cồn khi lái xe.

Song song đó, các cơ quan chức năng của tỉnh mở nhiều đợt cao điểm, thực hiện nhiều chuyên đề và đã huy động tối đa cán bộ chiến sĩ, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên và sử dụng hiệu quả các thiết bị kỹ thuật, camera giám sát giao thông; tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, xe chở quá tải, quá khổ giới hạn, vi phạm tốc độ... Kết quả trong năm 2023, đã phát hiện và xử phạt hơn 49.320 trường hợp với tổng số tiền hơn 113,4 tỷ đồng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 14 trường hợp lái xe sử dụng ma túy và 10.184 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn với tổng số tiền xử phạt hơn 56 tỷ đồng (chiếm 49,3% tổng số tiền xử phạt toàn tỉnh).

tai-nan.jpg
TNGT giữa 2 xe khách trên quốc lộ 1A.
cao-toc.jpg
TNGT trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Để đảm bảo ATGT, các cơ quan chức năng của tỉnh, các địa phương và cơ quan quản lý đường bộ Trung ương phối hợp tổ chức hơn 40 đợt kiểm tra công tác tổ chức giao thông, rà soát điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Qua đó, đã xử lý 4 điểm đen và nhiều điểm tiềm ẩn TNGT trên QL1A; đầu tư 12 công trình giao thông trên các tuyến đường bộ trong tỉnh. Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng kiềm chế TNGT, song số người chết và bị thương do TNGT vẫn còn cao. Theo thống kê, năm 2023 toàn tình xảy ra 315 vụ TNGT làm 160 người chết, 246 người bị thương. So với năm 2022, chỉ giảm được 16 người chết (9,1%), nhưng tăng 65 vụ (26%), tăng 114 người bị thương (86%).

Làm gì để kéo giảm TNGT?

Thực tế trên cho thấy, dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp cao điểm lễ, tết. Vi phạm về TTATGT còn nhiều, nhất là những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, làn đường. Tình hình TNGT trên các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Qua đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành quy định pháp luật về TTATGT. Ngoài ra, lưu lượng các phương tiện tiếp tục tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần; việc tổ chức giao thông tại một số nút giao giữa đường dẫn cao tốc với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chưa hoàn thiện và chưa hợp lý, còn một số bất cập là nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông và làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm giao thông. Công tác xử điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT tuy có tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát sinh do nguồn kinh phí xử lý bảo đảm ATGT còn hạn chế.

Vì thế, để bảo đảm TTATGT thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra, lập chốt kiểm soát giao thông trên quốc lộ 1A; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm giải quyết, khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông trên 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Sớm hoàn thiện hệ thống đường gom, đường dẫn, cầu dân sinh, các cống ngang và sớm đầu tư trạm dừng nghỉ trên đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và 2 trạm dừng nghỉ trên đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết; làm cầu vượt tại nút giao Km1717+593 QL1A và đường dẫn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội -TP.Hồ Chí Minh, tỉnh đề nghị đầu tư nâng cấp đường ngang phòng vệ bằng biển báo tại Km 1611+975 (thôn 2, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh) thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và lắp cần chắn tự động. Trước tình trạng TNGT liên tục xảy ra trên 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (đã xảy ra 7 vụ làm chết 3 người và bị thương 9 người), do vậy đề nghị Bộ Công an quan tâm sớm triển khai hệ thống camera giám sát giao thông, xử lý vi phạm về TTATGT trên 2 tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh...  

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sắp khởi công hai trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Hai trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc qua Bình Thuận đang lựa chọn nhà đầu tư, chuẩn bị khởi công trong quý I/2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao số vụ, số người bị thương do TNGT tăng cao?