Vẫn còn tình trạng cá chết khu vực giáp ranh
Theo UBND tỉnh, dù đã có rất nhiều công văn chỉ đạo, các cuộc họp liên ngành diễn ra nhiều năm nay, nhưng vấn đề xả thải của Nhà máy cồn Tùng Lâm (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) làm ô nhiễm nguồn nước Sông Ui và sông Giêng vẫn cứ tái diễn.
Để phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, các sở, ngành, địa phương 2 tỉnh đã có nhiều cố gắng trong phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2019 đến nay, tình trạng nguồn nước lại bị ô nhiễm, cá chết tiếp tục xảy ra. Nhưng qua kiểm tra vẫn chưa xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực. Để không còn xuất hiện tình trạng cá chết tại khu vực giáp ranh, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh. Mặt khác, đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại khu vực giáp ranh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh, trong tháng 6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, đề nghị tỉnh này quan tâm, phối hợp theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải đổ vào lưu vực Sông Ui, thượng nguồn Sông Giêng.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, có phương án quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn nước mặt tại hồ chứa nước tự nhiên, khu vực vùng trũng (tại khu vực Nhà máy cồn Tùng Lâm) để tránh chảy tràn ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến nguồn nước mặt tại khu vực. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn nước thải sau xử lý đổ vào Sông Ui, Sông Giêng.
Tại sao đồng muối Thông Thuận chưa dừng hoạt động?
Một vấn đề nữa cũng kéo dài nhiều năm nay là tình trạng ô nhiễm tại đồng muối Thông Thuận. Năm 2019, Công ty TNHH Thông Thuận (công ty) đã vận động và bồi thường dứt điểm cho 145 hộ trong vùng nhiễm mặn và hỗ trợ cho 294 hộ ngoài vùng nhiễm mặn. Đến ngày 9/6/2022, chỉ còn 6 hộ với số tiền 26 triệu đồng. Về việc trồng cây xanh trên diện tích 14,5 ha, đây là diện tích đã được nhà nước thu hồi giao cho địa phương quản lý. Ngày 10/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan khảo sát thực tế và ghi nhận, tỷ lệ cây xanh sống trong diện tích 14,5 ha khoảng 30% với chiều cao cây từ 1,5 - 4m.
Ngoài ra, đoàn còn khảo sát tại khu vực Xí nghiệp muối công nghiệp Thông Thuận. Qua đó cho thấy, dọc tuyến kênh giáp với xóm 3 và xóm 5 (gần khu vực với nhà máy điện mặt trời Fecon), bề mặt đất khô ráo, không có hiện trạng nước thẩm thấu ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, một số vị trí tuyến kênh có đóng phèn. Một số vị trí thân đê tuyến kênh thoát lũ bị sạt lở. Đoàn công tác đã lấy 6 mẫu đất dọc tuyến kênh để phân tích đánh giá việc nhiễm mặn tại khu vực, làm cơ sở xử lý tiếp theo quy định của pháp luật.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết việc ô nhiễm môi trường tại đồng muối Thông Thuận. Đến nay, đã có kết quả nhất định khi 145 hộ dân trong vùng bị nhiễm mặn đã nhận tiền đền bù (100%), 295/301 hộ dân ngoài vùng nhiễm mặn đã nhận kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, công ty đã thi công xong tuyến kênh tiêu lũ vùng đệm và tuyến kênh thoát lũ ngoại lai, trồng cây xanh và lập hàng rào bảo vệ diện tích đất 14,5 ha đã được thu hồi, giao UBND xã Vĩnh Hảo quản lý.
Tuy nhiên, cử tri vẫn còn ý kiến về kinh phí đền bù. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản trả lời, phúc đáp, việc công ty để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân theo nguyên tắc tự thỏa thuận.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục nhiễm mặn do hoạt động sản xuất gây ra. Qua rà soát của các sở, ngành, địa phương, đến nay hoạt động của đồng muối Thông Thuận không vi phạm đến mức phải chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật. Công ty đã cam kết dừng hoạt động sau ngày 31/12/2018 để chuyển sang dự án năng lượng mặt trời. Hiện nay, diện tích còn lại của đồng muối được đề xuất vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng đến nay quy hoạch chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về việc đồng muối tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với chính quyền địa phương, sở, ngành giám sát, lấy mẫu đất xác định việc nhiễm mặn để làm cơ sở xử lý tiếp theo (kể cả việc đình chỉ hoạt động theo quy định). Dự kiến ngày 10/7/2022 có kết quả phân tích mẫu đất. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương giám sát tình hình môi trường tại khu vực đồng muối Thông Thuận, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả việc đình chỉ hoạt động, thu hồi dự án đầu tư…