Không phải đây là lần đầu tiên tôi nghe câu nói này, chẳng biết câu nói ấy bắt nguồn từ đâu, nhưng có lẽ những người làm báo nghe cũng đượm buồn. Tôi ngẫm nghĩ: “Cái nghề vất vả, cao quý này thỉnh thoảng vẫn còn bị xã hội chế giễu, mỉa mai…”. Nhưng nghĩ lại, những câu nói ẩn ý, những định kiến về nghề báo như “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” cũng xuất phát từ những tờ báo “lá cải” gần đây xuất hiện nhiều. Một số nhà báo đang lạm dụng quyền của nghề báo để thổi phồng sự việc, sự kiện, suy diễn theo cảm tính, chủ quan, lái dư luận theo ý của người viết. Thời nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, báo chí đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức song cũng có nhiều cơ hội được mở ra. Tuy nhiên, vì cạnh tranh thông tin, đặc biệt là thông tin từ mạng xã hội, khiến một số nhà báo viết nhanh, viết vội, thêm bớt câu từ, thậm chí “nói thêm” cho hoa mỹ, lại thiếu kiểm chứng. Ở thời buổi 4.0, một trong những “kẻ thù” chính của nghề báo lại được phát sinh từ chính báo chí. Đó là những thông tin giật gân, không chính xác, tin giả, tin xấu, tin độc tràn lan trên mạng xã hội, khiến độc giả không phân biệt được. Thậm chí ở một số cơ quan truyền thông, nhà báo đã bất chấp chuẩn mực đạo đức, phớt lờ giới hạn thẩm mỹ, văn hóa thông thường để sa đà khai thác những đề tài theo hướng giật gân, câu khách. Chính những bài viết thiển cận ấy, đã làm nảy sinh những định kiến về nghề và khiến những bạn trẻ nghĩ rằng: con đường làm báo rất dễ và “trải hoa hồng”.
Hiện nay, người làm báo vẫn còn nhiều trăn trở với cuộc sống, với nghề nghiệp của mình. Một số nhà báo đã lạm dụng “quyền” để vòi tiền doanh nghiệp, cố tình viết sai sự thật để uy hiếp, trục lợi, dẫn đến tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Đã có hiện tượng một vài tờ báo đăng thông tin quá đà, làm lộ bí mật quốc gia; thông tin sai lệch, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng tiếc, có những nhà báo vì quá say sưa chạy theo sự kiện, dẫn đến nóng vội chủ quan, vượt qua những ranh giới pháp luật cho phép. Đó là những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc cần phải nghiêm túc xử lý và rút kinh nghiệm. Chính những bài báo, những nhà báo ấy đã làm ảnh hưởng đến uy tín, sự cao quý của những nhà báo chân chính, những người viết có trách nhiệm.
Các nhà báo lão thành từng nhắc chúng tôi rằng, làm báo không chỉ nói phần “tối”, phanh phui tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm quan trọng của báo chí là phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, để cái tốt lấn át cái xấu. Trong số hàng trăm anh hùng, chiến sĩ thi đua được Nhà nước phong tặng, biết bao tấm gương được phát hiện, cổ vũ từ báo chí. Có những người không cần danh hiệu, chức tước, nhưng trí tuệ, tấm lòng của họ đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh… Qua những bài báo phát hiện ấy, cái đẹp nhanh chóng được lan truyền, tô cho đời những màu sắc tươi sáng. Không cần đao to, búa lớn, những tấm gương chân thực “người tốt, việc tốt” được báo chí phản ánh đã củng cố thêm niềm tin vào xã hội, vào cuộc sống.
Có lẽ cái “được” lớn nhất của các nhà báo là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, từ đó hiểu biết xã hội được nâng cao. Tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nhưng những người làm báo cảm thấy hạnh phúc và vinh quang vì luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và của các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo. Sau mỗi năm miệt mài làm việc cật lực, các nhà báo cho ra đời những tác phẩm chất lượng được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi do Trung ương, tỉnh và các ngành phát động… Đó là niềm vinh dự, ghi nhận sức lao động chân chính của nghề qua những tác phẩm báo chí. Hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, mỗi nhà báo là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội.
“Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa” là lời khuyên chân thành và còn mãi giá trị đến hôm nay của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho những người làm báo. Với ông, cái sâu sắc ấy là bề dày kiến thức, là sự trải nghiệm, ngẫm ngợi, đúc rút ra những lẽ nhân sinh sâu lắng…