Kỷ niệm 97 năm, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2022), nhiều hoạt động gặp mặt, giao lưu giữa các cơ quan báo chí diễn ra sôi nổi. Cùng với đó là những lẵng hoa chúc mừng, lời động viên của các cơ quan, ban, ngành đến đội ngũ làm báo, tạo động lực cho họ càng thêm niềm vui, vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề. Cũng trong dịp này, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức lễ trao giải báo chí tỉnh Bình Thuận và trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam cho các hội viên đạt tiêu chí. Với những người hoạt động trong nghề báo, bao cảm xúc vỡ òa, khi đứa con tinh thần của mình, với sự nỗ lực, cố gắng nay được ghi nhận. Đó cũng chính là động lực để mỗi phóng viên không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn hết, đó còn là lời nhắc nhớ về trách nhiệm với nghề, với xã hội, với bạn đọc, chịu trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra. Đó là trách nhiệm phải làm tốt vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, biết yêu cái lành mạnh, biết ghét, lên án và đấu tranh với cái xấu.
Với bất cứ nghề nghiệp nào trong xã hội, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đạo đức và trách nhiệm của báo chí lại càng được chú trọng hơn, bởi sự tác động rất lớn của thông tin báo chí đến đời sống xã hội.
Mới đây, các phóng viên báo Bình Thuận đã được trau dồi kiến thức nghề nghiệp của mình thông qua các lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí. Một trong những nội dung quan trọng của nghề báo mà các phóng viên, biên tập viên được lưu ý, là trách nhiệm nghề nghiệp của nhà báo. Bản thân những nhà báo có trách nhiệm nghề nghiệp là những người nhận thức được sự liên quan của mình tới các hậu quả của hoạt động nghề nghiệp.
Nhận thức được điều đó, những người viết báo, nhất là báo Đảng địa phương lại càng phải luôn tâm niệm, cần “gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân” như nội dung quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Mỗi tờ báo đều có tôn chỉ, mục đích của riêng mình, nhưng không nằm ngoài quy định chung của nghề báo và sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Mỗi nhà báo, nhất là phóng viên báo Đảng địa phương đều có chính kiến, thái độ, cá tính, kinh nghiệm riêng và có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Với những kiến thức nghề nghiệp được tích lũy theo thời gian, mỗi nhà báo đều nêu cao tính chiến đấu trong từng tác phẩm của mình ở các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tuy vậy, trong xu thế phát triển không ngừng, với sự xâm chiếm thông tin của các trang mạng xã hội hiện nay, hoạt động báo chí vừa có những cơ hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Với trách nhiệm phải rèn giũa, tạo hình ảnh người làm báo “Mắt sáng - lòng trong - bút sắc”, người cầm bút phải vượt qua được những cám dỗ vật chất, lợi ích nhóm đang bao quanh, len lỏi trong cuộc sống. Chỉ khi giữ được “cây bút thẳng”, người làm báo mới làm tròn được trách nhiệm của mình.
Với những người làm báo tại Bình Thuận, trong năm 2022, cùng với hoạt động chuyên môn, Hội Nhà báo tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, nhằm động viên, cổ vũ hội viên, nhà báo, người lao động trong các cơ quan báo chí tỉnh đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần tuyên truyền, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022 của Hội Nhà báo tỉnh.
Song song, lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ…