|
Năm 1912, khi xây dựng cơ sở của Hội Liên Thành ở Mũi Né, vì đường sá xa sôi, phải đi bằng ghe gần 12 tiếng mới tới, lại sẵn thể chất ốm yếu nên ông Nguyễn Trọng Lội bị mắc bệnh và bất ngờ từ trần tại Mũi Né vào ngày 17/6 năm Tân Hợi (âm lịch), thọ 41 tuổi. Hội Liên Thành và gia đình đã làm lễ tang trọng thể và an táng ông bên cạnh mộ cha ở núi Ngọc Sơn, Phú Hài. Ngày nay để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Trọng Lội và các bậc tiền nhân sáng lập, Công ty Liên Thành mà tiền thân là Hội Liên Thành xưa đã lấy ngày 17/6 âm lịch, ngày mất của Nguyễn Trọng Lội làm ngày kỵ khai canh và hiệp tế các vị sáng lập.
Sau khi Nguyễn Trọng Lội mất, dưới sự điều hành của ông Hồ Tá Bang, Hội Liên Thành đã liên tục phát triển, mở thêm nhiều nhà lều nước mắm ở Sài Gòn, sản xuất phân bón hiệu Con voi đỏ từ xác mắm. Năm 1922 tham gia đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây - Pháp. Liên kết với hãng Kubota Nhật Bản để được giúp đỡ trang bị máy móc, huấn luyện kỹ thuật viên, mở phân xưởng sửa chữa thủy động cơ, làm đại lý bán động cơ ghe thuyền tại Phan Thiết.
Không chỉ kinh doanh, thành tích đáng ghi nhận của Hội Liên Thành thời đó là tinh thần đấu tranh chống lại sự chèn ép, cạnh tranh về kinh tế của nước ngoài và chế độ hà khắc của Nam triều và chính quyền Pháp. Có thể kể như: chống thương buôn Hoa kiều lũng đoạn, phá giá và đầu cơ nước mắm tại Sài Gòn năm 1926; chống thuế môn bài tăng quá cao năm 1928; chống chủ trương dùng thủy tinh thay tỉn sành chứa nước mắm năm 1933; chống âm mưu thâu tóm toàn ngành nước mắm vào nghiệp đoàn của tư bản Pháp do hãnh ALCAN làm hội trưởng năm 1942;… đặc biệt là cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ giá nước mắm và chống việc thành lập "liên đoàn hàm nghiệp" riêng lẻ của chính quyền thực dân phong kiến ở Bình Thuận năm 1942. Trong vụ này ông Nguyễn Minh Duệ, cháu nội cụ Nguyễn Thông đại diện cho Liên Thành tỏ thái độ kiên quyết không thỏa hiệp nên bị công sứ Jean Nin và tuần vũ Trần Thanh Đạt trấn áp và bắt giam.
Liên Thành thơ xã
Năm 1905 một cơ sở truyền bá văn hóa nhằm mở mang dân trí của Hội Liên Thành được thành lập và đặt tại nhà Võ Ca của đình Phú Tài. Những người sáng lập Hội Liên Thành giao ông Nguyễn Hiệt Chi phụ trách.
Tại đây, hằng tuần vào tối thứ năm, những người có học thức thường tập trung đến nghe diễn giảng sách tâm thư của các học giả, nhà văn hóa, triết gia như: Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vị, Rousseaux, Mouiess Quieu… thỉnh thoảng được nghe phổ biến một số bài thơ ca yêu nước từ hải ngoại gởi về. Đặc biệt vị diễn giả trong buổi khai trương Liên Thành thơ xã là ông Phan Chu Trinh.
|
Hoạt động của Liên Thành thơ xã tất nhiên không tránh khỏi sự dòm ngó, theo dõi gắt gao của nhà cầm quyền. Theo phúc trình chính trị ngày 19/9/1909 của công sứ Garnier ở Phan Thiết gởi Tòa khâm sứ Trung kỳ thì các thành viên của Liên Thành thơ xã bị gọi đến Tòa sứ Phan Thiết vào tháng 5/1908 để nhắc nhở cảnh cáo. Và cuối cùng đến ngày 5/9/1909 Liên Thành thơ xã được lệnh của Công sứ Pháp buộc phải ngưng hoạt động.
Dục Thanh học hiệu
Năm 1907 những người sáng lập Hội Liên Thành đã thành lập Dục Thanh học hiệu (Trường Dục Thanh) tại khuôn viên nhà cụ Nguyễn Thông và giao cho ông Nguyễn Quý Anh làm giám hiệu (hiệu trưởng). Đây có thể được coi là trường tư thục đầu tiên được lập tại Trung kỳ và cùng thời gian thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.
Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ lợp ngói âm dương dùng làm phòng học và nơi nghỉ ngơi cho học sinh và giáo viên. Tuy bề thế cơ ngơi của Trường Dục Thanh chưa thể sánh với trường công và ban giáo học từ giám học đến các thầy giáo cũng chưa có ai có học vị cử nhân, tiến sĩ nhưng trường này đã thu hút đông đảo con em các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Phan Thiết và con cháu của các thân sĩ ở Nam kỳ lục tỉnh gởi ra trọ học.
So với các trường lớp mở ra đầu thế kỷ XX, Trường Dục Thanh có nhiều điểm tiến bộ về phương diện tổ chức và nội dung chương trình giảng dạy. Trường chia làm 2 ban: Hán văn và Pháp văn. Mỗi ban có 4 lớp từ lớp tư đến lớp nhất của bậc tiểu học (lớp 2 đến lớp 5 ngày nay). Học sinh của 2 ban đều học chen tiếng Pháp và chữ Hán mỗi tuần 1 ngày. Ban Hán văn do ông Nguyễn Quý Anh, giám học kiêm chánh Hán, ông Trần Đình Phiên làm phó Hán. Ban Pháp văn do thầy Hải, một người Việt lai Pháp quê ở Quảng Nam là chánh Tây, và thầy Của, cựu trưởng ga Phan Thiết, quê ở Đức Thắng làm phó Tây.
|
Trường Dục Thanh tổ chức nội trú cho cả thầy và trò. Hai người con gái của cụ Nguyễn Thông là bà Nguyễn Thị Chuyên và Nguyễn Thị Lúa lo việc cơm nước. Phần lớn toàn bộ kinh phí cho việc ăn ở học hành của học sinh là dựa vào 2 nguồn hoa lợi từ 10 mẫu ruộng tốt của ông Huỳnh Văn Đẩu hiến cho trường và nguồn tài trợ của Hội Liên Thành. Do vậy học sinh ăn học không phải trả tiền và thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương.
Ngoài việc học tập hằng ngày học sinh Trường Dục Thanh còn có sân tập thể dục và sân chơi bóng với nhiều dụng cụ rèn luyện sức khỏe.
Khoảng đầu tháng 3/1909, ông nghè Trương Gia Mô đã giới thiệu người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho 2 ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh để làm thầy giáo tại trường. Ông Nguyễn Quý Anh, giám học nhà trường đã phân công thầy Thành dạy lớp nhất của cả 2 ban Hán văn và Pháp văn.
Theo lời kể trong hồi ký và câu chuyên nhớ lại của ông Nguyễn Quý Phầu (cháu nội cụ Nguyễn Thông), Từ Trùng Phùng, Nguyễn Đăng Lâu… là những học sinh của trường, thì thầy Thành rất được học sinh cảm mến. Mỗi sáng vào lớp tất cả học sinh đều đồng thanh đọc một bài thơ được truyền tụng rộng rãi lúc đó như: Á tế á ca, Việt Nam hồn... rồi thầy giáo chỉ định học sinh bình vài ba câu văn vần trong các tập làm văn có nội dung tiến bộ thời bấy giờ rồi mới bắt đầu học.
Hằng tuần vào tối thứ năm, học sinh lớp nhất, lớp nhì được phân công luân phiên đứng ra thuyết trình một đề tài bằng tiếng Việt trước tập thể. Theo ông Nguyễn Quý Phầu (hiện đã mất) kể lại thì trường rất chú trọng đến việc khơi gợi truyền thống yêu nước cho học sinh. Hằng tháng vào ngày nghỉ học thầy Thành thường tổ chức cắm trại, đưa học sinh đi chơi ở những thắng cảnh ở Phan Thiết và gặp gỡ người dân để học sinh có dịp tiếp xúc, quan sát thiên nhiên, thế giới xung quanh.
Năm 1911, một số vị sáng lập của Liên Thành đã đưa Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, tá túc tại Phân cuộc Liên Thành tại đường Quai Testard Chợ Lớn một thời gian ngắn trước khi sang Pháp.
Đến năm 1912, sau khi ông Nguyễn Trọng Lội, người chủ trương sáng lập Trường Dục Thanh mất, em trai ông và cũng là giám hiệu của trường là ông Nguyễn Quý Anh phải vào Sài Gòn đảm trách Đổng lý Phân cuộc Liên Thành ở Chợ Lớn và một vài lý do khách quan khác nên trường phải đóng cửa.
Lê Huân
Kỳ tới: Những khám phá thú vị về ông Nguyễn Quý Anh.