Theo dõi trên

Vinh hạnh một gia đình

25/10/2019, 11:07

BT-  Với các gia đình, việc có tên người thân được đặt tên đường là một niềm vinh dự đặc biệt và càng hiếm hơn nữa khi gia đình có 2 tên người thân được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Thuận thống nhất ban hành nghị quyết về việc đặt tên đường. Gia đình cụ ông Huỳnh Sanh Châu (nhạc sĩ Huy Sô) và cụ bà Nguyễn Thị Sạng, hiền thê của nhạc sĩ (hiện ngụ tại số 43, đường Mậu Thân, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết) là một trong những gia đình hiếm hoi theo nghĩa ấy.

                
Liệt sĩ Huỳnh Sanh Nam (1926-1947)

 Hai người con ưu tú tỉnh Bình Thuận

Nghị định số 91/2005/NĐ – CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, ở chương 2 về nguyên tắc đặt tên đường, phố, Điều 10 đã đề cập: “Đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên: … Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.

Trong số rất nhiều người nổi tiếng, có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và tỉnh Bình Thuận chúng ta đã được HĐND tỉnh ta thống nhất đặt tên đường, có 2 người, đó là: Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, là anh ruột của cụ bà Nguyễn Thị Sạng; và liệt sĩ Huỳnh Sanh Nam, là anh ruột của cụ ông Huỳnh Sanh Châu.

Đã có không ít những trang sử, những hồi ký, những bài báo đăng trên các tạp chí, các tờ báo của Trung ương và địa phương viết về những thành tích trong học tập, trong chiến đấu của hai người con quê hương Bình Thuận: Nguyễn Thế Lâm và Huỳnh Sanh Nam.

Có thể liệt kê một số tác phẩm, tư liệu: “Phan Thiết truyền thống đấu tranh cách mạng tập 1 (1930 – 1954)” do Đảng bộ thị xã Phan Thiết xuất bản năm 1989; hồi ký “Ngược Bắc xuôi Nam” của Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm; bài: “Ngã 7 Phan Thiết, một địa chỉ đỏ” của tác giả Phan Bình (viết về 3 chiến sĩ cảm tử, đều là những thanh niên trí thức thời bấy giờ, thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam, đồng thanh hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!” khi giặc Pháp đem ra xử bắn sáng ngày 7/4/1947: Trần Hữu Xoàng (sinh năm 1919), người Mỹ Tho, Tiền Giang, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Kiến trúc Đà Lạt, cán bộ tham mưu Trung đoàn 82, Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Phòng điệp Phan Thiết; Nguyễn Nhân (sinh năm 1926), quê Thái Bình, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành Đông Dương (Hà Nội), vào đoàn quân Nam tiến, Trung đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; và Huỳnh Sanh Nam (sinh năm 1926), học sinh Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn), Cán bộ Ban Phòng điệp Phan Thiết); cùng một số bài báo khác của các nhà báo H.Lê và Thùy Linh.

Giữa khá nhiều tư liệu, hồi ký, bài viết chân dung của 2 người con ưu tú của Bình Thuận được đề cập, ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 3136/QĐ - UBND ngày 13/11/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận đã có những dòng tóm tắt về tiểu sử và công trạng của 2 nhân vật tiêu biểu người Bình Thuận chúng ta như sau: “Nguyễn Thế Lâm (SN 1918 - mất năm 2011), tên khai sinh là Nguyễn Kèn, quê tại Tân Xuân, Phan Thiết, Bình Thuận (Nay là phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ông nhập ngũ năm 1945 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946. Ông đã từng trải qua nhiều trọng trách: Tháng 8/1945, Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh và Ủy viên Quân sự tỉnh Thừa Thiên. Từ 1946 – 1947, Chi đội phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 81, Liên khu 5. Từ 1948 -1950, Phó Khu trưởng, Khu trưởng khu 6, Quyền Tư lệnh, rồi Tư lệnh Liên khu 5. Năm 1952: Phó Đại đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320. Tháng 11/1954, Phó tham mưu Bộ Chỉ huy Pháo Binh. Năm 1964, Tư lệnh Binh chủng Pháo Binh. Năm 1968, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu Trưởng Quân khu Trị - Thiên. Từ 1970 - 1974, Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp (là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng này). Năm 1974, Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng. Từ năm 1979 - 1981, công tác tại Học viện Quân sự cấp cao. Năm 1974 ông được phong quân hàm Thiếu tướng”.

                
Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (1918-2011).

“Huỳnh Sanh Nam (SN 1926 - mất năm 1947), ông sinh tại Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận. Học sinh Trường Trung học Pétrus Ký, Sài Gòn (1941 - 1944), tham gia cách mạng từ tháng 8/1945 với chức vụ Trưởng ban Công tác chính trị Ban Phòng điệp thuộc Trung đoàn 82 Bình Thuận. Ông bị giặc Pháp bắt và xử bắn tại Ngã 7, TP. Phan Thiết vào sáng ngày 7/4/1947, trước sự chứng kiến và cảm phục của hàng ngàn người dân Phan Thiết. Trước khi bị bắn ông cùng đồng đội đã hô 3 lần: “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

 Đôi điều suy nghĩ

Gia đình cụ ông Huỳnh Sanh Châu (93 tuổi), và cụ bà Nguyễn Thị Sạng (92 tuổi), quả là một trong số hiếm hoi những gia đình của Bình Thuận có 2 người thân có tên được đặt tên đường. Vinh hạnh ấy thuộc về gia đình của hai cụ, của những người anh, người em, những người con cùng các cháu của 2 nhân vật tiêu biểu của tỉnh; và cũng là vinh dự của quê hương  Bình Thuận.

Bà con nhân dân trong tỉnh, trong đó có các cháu học sinh, sinh viên, ngày ngày đi qua những con đường khác nhau. Những con đường ấy, có nhiều đường mang tên các danh nhân. Nhưng cũng có khi: Bà con, các cháu không biết được những danh nhân ấy, quê ở đâu, sống, làm việc, đã lập nên công trạng gì, ở thời kỳ nào? Đường mới mở ra nhiều, tên danh nhân gắn liền với tên đường ngày một nhiều hơn, cả ở TP. Phan Thiết, lẫn thị xã và các huyện trong tỉnh.

Để góp phần giúp bà con, các cháu học sinh, sinh viên hiểu một cách khái quát về danh nhân, về những nhân vật tiêu biểu có tên được đặt tên đường, mong rằng tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã cần có những cách làm linh hoạt, giới thiệu về các danh nhân có tên được đặt tên đường để bà con nhân dân được biết. Các trường giới thiệu đến học sinh sinh viên tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa khác nhau của trường, một cách nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi.

Sự hiểu rõ về công lao của tiền nhân góp phần làm bà con thêm yêu quê hương, hướng đến tiếp tục làm những việc có ích cho quê hương, làng xóm, theo gương những tiền nhân.

Trong những lần HĐND tỉnh Bình Thuận ra nghị quyết về việc đặt tên đường, HĐND tỉnh đã thống nhất ở 2 năm khác nhau:

Đường Nguyễn Thế Lâm là một trong những con đường đã được HĐND tỉnh thống nhất tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa X, ngày 12/7/ 2017. Đường thuộc địa bàn Khu dân cư Hùng Vương, một đầu giáp với đường Tuyên Quang, đầu đường còn lại giáp với đường Lê Trọng Tấn, thuộc địa bàn phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết.

Đường Huỳnh Sanh Nam là một trong những con đường đã được HĐND tỉnh thống nhất tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa X, ngày 24/7/2019. Đường thôn Thiện An đi thôn Thiện Bình (đoạn giáp từ đường Trần Hữu Xoàng (cua Bàu Điền) đến giáp đường Bàu Me (ngã ba chợ Thiện Nghiệp), thuộc địa bàn xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết).

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinh hạnh một gia đình