Theo dõi trên

Vòng vây nguy khốn

06/06/2023, 05:46

Nhưng những hình ảnh của tươi mới, của phát triển, của hy vọng từ Cụm công nghiệp, Khu dân cư Nam Hà này đang bị “đe dọa” trước mùi hôi thối, ruồi nhặng bủa vây từ các trại gà, trại heo lân cận bao quanh…

Hôi thối đã thành tai họa

“Đấy, lâu lâu bé lại vuốt mũi ngược lên trên, cứ như bị ngứa ấy” - chị Liên chỉ thằng bé khoảng 5 tuổi đang tò mò nhìn người lạ ở nhà bà nội nãy giờ nói như vừa phát hiện một điều bí mật. Rồi chị tiếp tục lo ngại: “Sau khi ngứa, sẽ chảy nước mũi liên tục. Uống thuốc thì hết. Còn dừng thuốc thì bị chảy ra tiếp. Tôi biết, vì thằng bé con cô nó mới 4 tuổi cũng có triệu chứng bắt đầu như thế. Mấy tháng trước, đi khám Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM thì bác sĩ bảo bị viêm xoang. Mà 4 tuổi sao có thể viêm xoang được?”. Sự nghi vấn của chị Liên cũng dễ hiểu, bởi nếu di truyền thì sao 2 vợ chồng chị hay các con không bị bệnh. Có thể với đứa trẻ, hệ hô hấp còn non yếu nên trước mùi hôi từ trại heo Vissan cách nhà không xa xả ra từng ngày đã khiến bé bị bệnh. Thế nên, 2 vợ chồng đứa con gái đã đi thuê nhà nơi khác để ở, một phần được gần trường học để mua bán, phần để đứa bé không chuyển bệnh nặng. Còn người lớn như vợ chồng chị và nhiều nhà khác ở trên đường Z30A thuộc thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh này, thì hầu như mũi ai cũng bị mất mùi. Chị phát hiện ra điều đó, vì vào dịp lễ, tết, bà con các nơi tới nhà thăm chơi, đều không thể ngồi lâu, bảo sao nơi đây hôi thối quá, trong khi vợ chồng chị bảo không ngửi mùi gì. Dần về sau, hàng xóm bảo họ cũng bị tình cảnh ấy, rằng mũi đã quen mùi hôi thối nên không cảm nhận được.

ruoi-2-.jpg
Hầm biogas của trại heo Vissan ở thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh.

Chị Liên kể vậy như một cách phân bua, khi thỉnh thoảng chúng tôi theo phản xạ đưa tay lên bịt mũi. Bây giờ, thời tiết nơi đây đang chuyển mùa nên gió Tây Nam, Đông Nam thổi loạn xạ. Khi gió Tây Nam thổi, nhà chị ít có mùi thối. Nhưng khi gió Đông Nam nổi lên thì… ôi thôi nhức cả đầu. Trời sập tối. Những người dân xung quanh nghe chuyện có báo chí về hỏi môi trường ô nhiễm thì tập trung lại, có cả trưởng thôn. Mỗi người góp chuyện và tôi hình dung diễn tiến ô nhiễm môi trường ở đây đã giằng co giữa các bên trong im lặng, trong chịu đựng với thời gian dài.

Năm 2019, sau khi bị chính quyền cấm xả chất thải từ chăn nuôi heo ra mương nước gần đó, trại heo Vissan đã thuê vườn cao su của những người ở TP.HCM để xả chất thải vào đây. Khó bắt quả tang, vì vườn cao su rộng nhưng không khó để nhận ra mùi hôi thối vẫn thường trực hàng ngày, nhất là vào lúc 5h chiều đến tối và cả sáng sớm hôm sau. Đỉnh điểm, tháng 7/2020, UBND xã Đông Hà có tờ trình về việc đề nghị di dời xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận (Trại heo Vissan). Công văn phát đi chỉ cách 4 ngày sau khi nhận công văn của UBND huyện Đức Linh về triển khai hướng dẫn việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cơ sở ô nhiễm đang tồn tại trong khu dân cư và lập quy hoạch có liên quan. Từ đó, đủ thấy chính quyền xã nằm trên cùng con đường Z30A với trại heo Vissan cũng muốn nhanh chóng giải thoát vấn nạn đe dọa sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đến mức nào.

Thế nhưng đến nay, việc di dời vẫn chưa thực hiện được. Các hộ dân xung quanh đã dần chuyển sang ý nghĩ đó là chuyện của cả thôn, dù khi tắm có nhà như nhà của chị Trương Tình đã bị ngứa ngáy, phải mua thuốc thoa. Nguồn nước ngầm đã nhiễm bẩn nên chắc chắn nước giếng cũng nhiễm bẩn. Biết dơ nhưng lấy nước sạch ở đâu ra, khi cả thôn này, nhà nào cũng dùng nước giếng. Chuyện ô nhiễm đã có hậu quả rõ, thế nhưng, sao không tiếp tục có động tĩnh gì, khi chỉ vì tết đến, trại gửi mỗi nhà vài ký thịt heo ư? Trưởng thôn Nam Hà bảo rằng cũng có kiến nghị trong phạm vi xã, nhưng thấp cổ bé miệng lắm nên đành chịu đựng. Bản thân ông, mũi đã không nhận được mùi từ mấy năm nay. Vì thế, ở đây mùi hôi thối vẫn tiếp tục theo quy trình nín, được giấu giếm vào những giờ cao điểm ban ngày. Đến khoảng 5h chiều, hầm biogas chứa chất thải đã căng phồng lên như những quả khinh khí cầu khổng lồ, như những quả bom hẹn giờ muốn nổ tung thì sẽ được trại heo Vissan mở van xả suốt từ đó cho đến sáng sớm hôm sau. Tội cho những ai lỡ đi qua đây vào thời điểm đó.

ruoi-1-.jpg
Ruồi nhặng tại khu dịch vụ ăn uống Khu dân cư Nam Hà có các trại gà, trại heo vây quanh.

Bị bao vây bởi 2 trại gà, 3 trại heo

Chính chúng tôi là nạn nhân khi đi thực tế ở thôn Nam Hà này, từ 5h chiều ngày 31/5/2023 và sáng sớm tinh mơ ngày 1/6/2023, để cảm nhận môi trường sống ở đây, mà cụ thể là tại Cụm công nghiệp Nam Hà và khu dân cư liền kề. Bây giờ, nơi đây đã ra dáng dấp của 1 cụm công nghiệp, khi nhà máy của Công ty TNHH Giày Nam Hà – Việt Nam, chuyên gia công, sản xuất giày Nike (Mỹ) được xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1 vào tháng 6/2023, sẽ đi vào hoạt động sản xuất quý IV/2023 với quy mô đón 7.000 công nhân và giai đoạn 2&3 thêm 20.000 công nhân vào những năm tới. Cách đó không xa, Khu dân cư Nam Hà mang trọng trách an cư cho công nhân làm việc tại các cụm công nghiệp cũng đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh theo tỷ lệ 1/500 với đầy đủ các hạng mục như đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cây xanh… và các công trình công cộng như công viên thể dục thể thao, trường học, trạm y tế, khu phức hợp mua sắm, khu dịch vụ ăn uống, shophouse…

Nhưng những hình ảnh của tươi mới, của phát triển, của hy vọng này đang bị “đe dọa” trước mùi hôi thối, ruồi nhặng bủa vây từ 2 trại gà, 3 trại heo bao quanh rất gần. Ngay đầu lối vào Khu dân cư Nam Hà, trên tuyến Z30A, hết trại heo Vissan lại đến trại heo Lan Chi. Tiếp tục, theo đường số 1 của Khu dân cư Nam Hà, mùi thối nồng nặc xộc tới tương tự như bị 1 cú đấm bất ngờ khiến chúng tôi né không kịp. Bình tĩnh lại thì phát hiện lấp ló sau những bụi chuối lòa xòa là các họng quạt đang quay rút hơi thối trong trại heo ông Lâm xổ thẳng vào Khu dân cư Nam Hà. Không kiên nhẫn để đếm bao nhiêu họng quạt như thế, tôi áng chừng 6 hay 8 cái gì đó nhưng đi tiếp theo đường số 1 Khu dân cư Nam Hà, mùi hôi thối vẫn cứ bao vây sau lưng, trước mặt. Cuối cùng, khi kết thúc đường số 1 gặp đường số 9 là tuyến giao thông nông thôn do UBND xã Đông Hà xây dựng và ngược về hướng tuyến DT 766 là bắt gặp tiếp hầm phân heo lộ thiên của trại heo ông Lâm. Dù bịt 2 khẩu trang nhưng tôi vẫn cảm nhận đó là mùi phân tươi đã tích tụ nhiều ngày chưa qua xử lý nên đầu óc cứ choáng váng. Không hiểu những lần các đoàn xuống kiểm tra môi trường, các trại heo này giấu giếm mùi hôi thế nào?

“Ai giấu giếm được chứ quán em làm mọi cách phun xịt diệt ruồi mà khách vào ăn cơm, uống nước vẫn phát hiện, bảo sao quán nhiều ruồi vậy. Bây giờ phục vụ cho công nhân xây dựng, họ ngại chạy xa nên còn bán được. Chứ khi công nhân vào làm việc tại Nhà máy giày Nam Hà, họ tranh thủ ăn sáng phía đường DT 766 hoặc bên Đồng Nai rồi vào nhà máy, chắc quán em bị ế” – Đào Anh Khả, người thuê 1 gian thuộc khu dịch vụ ăn uống tại Khu dân cư Nam Hà than thở. Em rinh 2 miếng giấy thùng bia ra, trên đó những mẫu đen lổn ngổn mà trong không gian của buổi chiều tà, tôi cứ tưởng phơi hạt tiêu hay hạt cà phê gì đó. “Ruồi đó chị. Toàn ruồi xanh, tức nhặng mới gớm. Ngày nào cũng 2-3 miếng dày ruồi như này nhưng không hiểu chúng ở đâu ra mà nhiều quá, diệt hoài không hết.   Cứ 1 ngày, em mua 1 chai thuốc diệt chuột về hòa tan rồi trét lên 3 miếng giấy thùng bia để nhử ruồi, mất 35.000 đồng, rồi dầu gió bôi tủ đựng đồ ăn. Tính ra 1 tháng chi phí cho diệt ruồi mất hơn 1 triệu đồng”.

Khả kể trong 3 tháng đến đây kinh doanh quán ăn uống, em đã thử nhiều cách diệt ruồi và hiện tại tìm được cách tối ưu trên. “Nhưng tình trạng này đến bao giờ mới chấm dứt ! Vợ chồng em rời Võ Đắt đến đây với hy vọng sẽ buôn bán tốt ở cụm công nghiệp, khu dân cư được tin là sôi động này. Nhưng nạn ruồi…”- Khả bỏ lửng câu nói nhìn ra phía xa, nơi có những công trình đã xây dựng. Như ngộ ra điều gì, Khả nói: “Không chỉ ở khu dịch vụ ăn uống này mới có ruồi mà tại các công trình đẹp đẽ, mới toanh, chưa hoạt động kia, ruồi cũng đậu dày. Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và khu dân cư này tuần nào cũng đi phun xịt. Nên em chắc do các trại chăn nuôi bao quanh thôi”.

Khu dịch vụ ăn uống này nằm nơi trung tâm của Khu dân cư Nam Hà thì phía trước là trại gà TaFa Việt (thuộc xã Tân Hà, nằm cách khu dân cư khoảng 30m về hướng Bắc), phía sau là trại gà Đức Phát (cách CCN Nam Hà và Đông Hà khoảng 50m). Nếu Khả và những người kinh doanh ăn uống ở đây lo lắng bán buôn ế ẩm vì ruồi thì chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp và Khu dân cư Nam Hà cũng lo phá sản. “Công ty đã gửi đơn kêu cứu đến huyện, tỉnh xin giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các trại chăn nuôi gần các cụm công nghiệp, khu dân cư. Vì thời gian này, không chỉ các nhà đầu tư thứ cấp đang quan tâm đến Cụm công nghiệp Nam Hà 2 mà Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đang xây dựng nhà máy cũng đã có yêu cầu phải cam kết về môi trường” - ông Nguyễn Thế Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh nói với vẻ mệt mỏi và lo lắng.

Và tôi cảm nhận điều tiếp theo mà ông không dám nói ra rõ ràng, rằng nếu không kịp thời xử lý mùi hôi thối, ruồi nhặng trên, các công ty nước ngoài với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, buộc phải rời bỏ địa phương, nhất là trong bối cảnh nơi nơi đang trải thảm đỏ chào đón các đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh. Rồi địa phương sẽ mất đi các nguồn thu từ sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ thương mại khác, đồng thời các cụm công nghiệp, các khu dân cư đã thành lập sẽ sớm mai một, hoang phế. Đó cũng là nỗi lo của huyện Đức Linh nên thời gian qua và gần nhất là trong tháng 3, 5/2023, huyện có văn bản chỉ đạo Vissan tính toán di dời trại heo, đồng thời các phòng ban liên quan kiểm soát môi trường xung quanh Cụm công nghiệp và Khu dân cư Nam Hà. Nhưng có vẻ vấn nạn môi trường ở đây không nằm trong giờ hành chính mà ở bí mật sau 5 h chiều…

Và tôi cảm nhận điều tiếp theo mà ông không dám nói ra rõ ràng, rằng nếu không kịp thời xử lý mùi hôi thối, ruồi nhặng trên, các công ty nước ngoài với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, buộc phải rời bỏ địa phương, nhất là trong bối cảnh nơi nơi đang trải thảm đỏ chào đón các đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh. Rồi địa phương sẽ mất đi các nguồn thu từ sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ thương mai khác, đồng thời các cụm công nghiệp, các khu dân cư đã thành lập sẽ sớm mai một, hoang phế.

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh hôm nay dưới góc nhìn của những cựu chiến binh năm xưa
Gần 50 năm sau ngày giải phóng 25/12/1974 - 25/12/2023 và 40 năm tái lập huyện 1/5/1983 - 1/5/2023, chi khu Tánh Linh năm xưa nay đã khoác lên mình những gam màu tươi sáng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vòng vây nguy khốn