Theo dõi trên

Voọc chà vá và câu chuyện bi thảm của hải cẩu

07/09/2022, 05:27

Những ngày qua, vụ việc một cá thể voọc chà vá chân xám xuất hiện trong khu dân cư tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong đã gây chú ý cho những người yêu mến động vật hoang dã, khi đây là loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng cao, thuộc 1 trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Phong đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ và có phương án tối ưu để đưa cá thể này trở về rừng. Tuy nhiên, dư luận không khỏi lo ngại số phận của cá thể voọc này sẽ như con hải cẩu lạc bầy theo dòng hải lưu đến Việt Nam và sinh sống khu vực biển thị trấn Phan Rí Cửa hồi cuối năm 2016. Thời điểm ấy, người dân địa phương và dư luận cả nước hết sức thích thú, bởi sự xuất hiện của con hải cẩu ở gần bờ, khi tỏ ra khá thân thiện với người dân. Những hình ảnh về con hải cẩu lên bờ phơi nắng, đùa giỡn với du khách lan truyền trên mạng xã hội đã làm cho nhiều người biết đến các làng chài ven biển Phan Rí Cửa, Chí Công, Bình Thạnh… của huyện Tuy Phong, với nét đẹp hoang sơ về du lịch và trù phú về hải sản. Tuy nhiên khoảng 6 tháng sau ngày xuất hiện, người dân cả nước bàng hoàng, bức xúc khi phát hiện xác hải cẩu bị đánh chết một cách dã man trên bãi Dương, thuộc thị trấn Phan Rí Cửa. Ban đầu dư luận cho rằng có thể do hải cẩu đến sinh sống làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản gần bờ, hay chui vào phá lưới đánh cá của ngư dân để trộm “chiến lợi phẩm” dẫn đến số phận như vậy. Nhưng qua tìm hiểu sâu, những người đi biển xem những động vật như hải cẩu, cá voi, cá ông là những con vật linh thiêng trên biển nên thường không dám tác động đến. Giả thiết đưa ra có thể là do sự đùa giỡn quá khích bằng cây, gạch, đá của những thanh niên thiếu ý thức bảo vệ, dẫn đến cái chết của hải cẩu.

hai-cau.jpg
Hải cẩu xuất hiện ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong năm 2016.

Quay trở lại cá thể voọc chà vá chân xám xuất hiện trong khu dân cư ở Chí Công, cơ quan chức năng nhận định có thể người dân nào đó không nắm bắt thông tin về voọc, đã lén lút bắt nuôi nhốt và để xổng ra ngoài. Bắt, nuôi nhốt, mua bán voọc chà vá là hành vi vi phạm pháp luật dễ dẫn đến vướng vào lao lý. Còn nhớ cách đây không lâu, một người dân ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân đã bắt sát hại một con mèo rừng thuộc loại nguy cấp vì thiếu hiểu biết thông tin về loài động vật này. Sau đó chính người này phải trả giá bằng bản án 1 năm tù cho hành động của mình.

300600885_798784154637132_4734464200103878379_n.jpg

Cá thể voọc Chà vá chân xám xuất hiện ở Chí Công.

Có thể nói để bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các loài thuộc nhóm nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng cao nói riêng, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp và đã được cụ thể hóa thành luật để bảo vệ. Tại tỉnh Bình Thuận những năm qua công tác này cũng đã được hết sức quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh và cơ quan chuyên ngành, qua việc phát hiện, giao nộp để thả về tự nhiên rất nhiều cá thể quý hiếm từ rừng cho đến biển. Đặc biệt những ngày gần đây không chỉ ở Bình Định mà tại Khu bảo tồn Hòn Cau, huyện Tuy Phong cũng xuất hiện cá voi vào gần bờ và nhiều đàn cá heo. Đây là điều hết sức đáng mừng đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đồng thời cho thấy môi trường biển và con người Việt Nam ngày một bảo vệ động vật hoang dã và thân thiện hơn với thiên nhiên.

Riêng cá thể voọc ở Chí Công, hy vọng rằng trong khi chờ cơ quan chức năng có biện pháp đưa trở lại rừng an toàn, thì người dân cần có ý thức bảo vệ, để số phận của nó không phải trả giá như con hải cẩu của 5 năm về trước.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo tồn chà vá chân đen
Về khu bảo tồn
Nổi bật
Khẳng định vai trò đoàn kết toàn dân tộc
Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Liên - Việt toàn quốc họp tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và thông qua cương lĩnh tuyên ngôn, điều lệ mới nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Voọc chà vá và câu chuyện bi thảm của hải cẩu