Theo dõi trên

Vụ bất thường của Công ty Tuấn Cát Lợi ở Đa Mi: Vì an toàn đập thủy điện – cần bảo vệ rừng Kumagai

04/06/2018, 08:44

BT- Như trong hai số báo trước, chúng tôi có loạt bài điều tra phản ánh về tình trạng khai thác cát lậu trên hồ Hàm Thuận  - Đa Mi, đồng thời có dấu hiệu liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng với hàng ngàn cây gỗ với diện tích 5,678 ha thuộc khu vực rừng Kamagai, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) của Công ty Tuấn Cát Lợi (địa chỉ xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, giáp ranh với xã Đa Mi). Liên quan đến 2 vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và PTNT  phối hợp với các sở, ngành và địa phương làm rõ, xử lý nghiêm.

Trong một diễn biến khác, những ngày cuối tuần vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã thành lập tổ công tác tiếp tục đi kiểm tra, xác minh củng cố hồ sơ pháp lý để tiến hành khởi tố vụ án, điều tra làm rõ hành vi “hủy hoại rừng” theo quy định. Trở lại việc hút cát lậu của Công ty Tuấn Cát Lợi, theo quan sát của những người dân, hiện việc hút cát đã tạm ngưng. Tuy nhiên, công ty này tiếp tục đưa thêm 1 sà lan từ dưới xuôi lên và đang đóng mới một chiếc tại bãi tập kết sau lưng UBND xã Đa Mi, để đưa vào khai thác cát.

Về chuyện rừng Kumagai bị tàn phá, nhiều người kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng khu vực rừng Kumagai có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ đập thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, một trong 4 công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam, bởi khu vực rừng đồi Kumagai nằm án ngữ phía trên che chở cho đập thủy điện. Cũng cần nói thêm, sở dĩ khu vực nói trên có tên gọi giống địa danh ở Nhật Bản là do năm 1999, Công ty Kumagai Gumi (của Nhật Bản) đến xây dựng thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và đã chọn khu vực đồi nhưng khá bằng phẳng này để xây dựng các nhà công vụ cho công nhân lưu trú. Khi hoàn thành dự án thủy điện và rút đi, người dân địa phương quen gọi  khu vực này là Kumagai và từ đó trở thành địa danh.

Ông Trần Đình Sỹ, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Khu vực rừng mà Công ty Tuấn Cát Lợi định làm dự án có vị trí chiến lược quan trọng đối với đập thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi trong việc bảo vệ thân đập chống sạt lở đất, cũng như về lâu dài đây sẽ là vùng đệm quan trọng để ổn định độ ẩm, tích nước cho hồ thủy điện. Với tầm quan trọng đó, cũng như hiện trạng rừng trước khi bị tàn phá đang phát triển rất tốt, nên chúng tôi đã có kế hoạch khoanh nuôi và mở rộng diện tích đưa vào quản lý, bảo vệ.

                
Hàng ngàn cây gỗ khu vực rừng Kumagai bị    triệt hạ.

Trở lại 2 bài viết đăng trên Báo Bình Thuận, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự bức xúc và đồng tình, đề nghị cơ quan chức năng không chỉ làm rõ hành vi hút cát lậu và những dấu hiệu liên quan vụ phá rừng, đặc biệt là việc công ty này xin dự án với quy mô lớn như vậy để trồng cây ăn quả, trong đó lại có cả những vườn cây ăn trái, cà phê đã hình thành, là nguồn sống lâu nay của các hộ dân. Một bạn đọc công tác trong ngành lâm nghiệp nay đã nghỉ hưu (xin không nêu tên) chia sẻ: Tôi có nhiều năm đi lại khu vực rừng ở Đa Mi thuộc khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện. Thực tế tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây ăn trái có diễn ra trước trong và sau khi dự án thủy điện hình thành. Điều này ít nhiều cũng tác động đến bảo vệ lòng hồ, dẫn đến phức tạp tình hình về đất đai, nhưng đó là sự việc đã rồi mà nguyên nhân cũng từ quản lý, giám sát lỏng lẻo. “Tuy nhiên, với việc xin dự án của Công Ty Tuấn Cát Lợi với diện tích lên đến hàng chục ha đất, với vị trí cũng chủ yếu quanh khu vực lòng hồ, mang tính trọng yếu bảo vệ thân đập thì đây là chuyện bất thường, hoặc nếu “cạo trọc” để trồng cây ăn quả, thì đây là một chuyện đáng lo ngại về lâu dài đối với đập thủy lợi”, vị này lo lắng. Liên quan đến dự án này, đại diện lãnh đạo Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết: Ngoài việc cho kiểm tra việc khai thác cát trên lòng hồ thủy điện, đặc biệt là khu vực sạt lở gần thân đập thì đơn vị cũng sẽ theo dõi, đánh giá thực trạng rừng phía trên thân đập để có ý kiến trao đổi, với mục đích tối ưu làm sao bảo vệ an toàn cho công trình đập thủy điện Hàm Thuận  - Đa Mi.           

Liên quan đến hồ sơ của Công ty Tuấn Cát Lợi gửi đến Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để chờ thẩm định, đánh giá thực trạng đất, rừng trước khi trình lên trên, một nguồn tin cho biết, bước đầu sở đã tạm đình chỉ xem xét hồ sơ để làm rõ vụ rừng Kumagai bị triệt phá với diện tích 5,678 ha, thuộc phần đất mà công ty này định xin làm dự án.

Phúc Sinh – Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ bất thường của Công ty Tuấn Cát Lợi ở Đa Mi: Vì an toàn đập thủy điện – cần bảo vệ rừng Kumagai