Theo dõi trên

Vụ nợ 8,5 triệu bị tính lãi hơn 8,8 tỷ: Những điều cần biết khi dùng thẻ tín dụng

21/03/2024, 10:17

Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích và cũng là một cách xây dựng điểm tín nhiệm của khách hàng với hệ thống ngân hàng.

Mới đây, dư luận quan tâm tới vụ việc một khách hàng nợ thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank hơn 8,5 triệu đồng, sau 11 năm thì số tiền cả gốc và lãi phải thanh toán lên tới hơn 8,8 tỷ đồng. Để tránh những tranh cãi và điều không mong muốn xảy ra, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần hiểu rõ các quy định về sử dụng thẻ và đảm bảo thanh toán đúng hạn, cũng như đảm bảo an toàn bảo mật trong chi tiêu và thanh toán.

Theo thông tin chia sẻ của Ngân hàng Techcombank, thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người sở hữu sử dụng để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ “mượn” ngân hàng một số tiền để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ hoặc một phần số tiền đã mượn cho ngân hàng.

Người sử dụng có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán trực tiếp thông qua máy quẹt thẻ POS, thanh toán trực tuyến bằng ứng dụng của ngân hàng hoặc liên kết với các ví điện tử.

the_tin_dung.png.jpg
Chức năng cơ bản của thẻ tín dụng chính là thanh toán trả sau. Hiểu đơn giản là khách hàng sẽ dùng số tiền mà thẻ được cấp để trả trước các khoản phí bất kỳ, sau đó hoàn trả lại ngân hàng trong thời gian quy định. (Ảnh minh họa: KT)

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, có nghĩa là bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để ứng tiền mặt tại máy ATM thay cho thẻ ghi nợ, là khoản tạm vay trong thẻ tín dụng, không phải là giao dịch rút tiền từ tài khoản của thẻ ghi nợ hay tiết kiệm.

Thông thường, khách hàng sẽ rút tiền từ thẻ tín dụng để tiêu dùng cho những khoản chi cần dùng tiền mặt hoặc trường hợp cần tiền gấp. Tuy nhiên, phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tương đối cao (rơi vào khoảng 4%). Do đó, người dùng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng tính năng này.

Những điều cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng

Khi bắt đầu tìm hiểu thẻ tín dụng credit là gì và sử dụng thẻ tín dụng hay thẻ credit, khách hàng cần quan tâm đến những khái niệm sau:

Hạn mức tín dụng: Là giá trị tín dụng tối đa mà chủ thẻ được ngân hàng cho phép sử dụng trong một chu kỳ tín dụng. Hạn mức tín dụng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính và độ uy tín của chủ thẻ ngay tại thời điểm mở thẻ.

Lãi suất tín dụng: Mức lãi suất được tính trên khoản nợ còn lại của chủ thẻ trong trường hợp chủ thẻ không hoàn trả số tiền đúng hạn.

Sao kê thẻ tín dụng: Là bảng thống kê và hệ thống chi tiết các giao dịch mà chủ thẻ đã thực hiện giao dịch/thanh toán trong một khoảng thời gian quy định (kỳ sao kê).

Thanh toán tối thiểu: Là số tiền ít nhất mà chủ thẻ cần thanh toán cho ngân hàng khi đến kỳ hạn theo thông báo của sao kê thẻ tín dụng để không bị phạt phí trả chậm và liệt vào danh sách nợ xấu.

Trả nợ thẻ tín dụng: Chủ thẻ có thể trả nợ thẻ tín dụng bằng nhiều cách khác nhau, như: thanh toán trên ứng dụng Mobile Banking hoặc Internet Banking, chuyển tiền từ thẻ khác vào thẻ tín dụng, thanh toán trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng, liên kết với thẻ khác và cài đặt tự động thanh toán...

quet-the.jpg
Thẻ tín dụng dễ gây ra “ảo tưởng chi tiêu” cho khách hàng (Ảnh minh họa: KT)

Lãi suất lên tới 20 - 40%/năm

Thẻ tín dụng được xem như một giải pháp tài chính mới cho người sử dụng bởi mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm áp lực tài chính, thanh toán tiện lợi, quản lý chi tiêu dễ dàng, hạn chế mất cắp tài chính, hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tích điểm, hoàn tiền, giảm giá khi mua sắm.

Song, khách hàng cần lưu ý một số hạn chế khi dùng thẻ tín dụng như: Phát sinh lãi khi trả chậm, mất phí khi rút tiền mặt…

Nếu thanh toán dư nợ không đúng kỳ hạn, khoản dư nợ còn lại sẽ phát sinh phí phạt lên tới 5% và lãi suất lên tới 20 - 40%/năm tổng chi tiêu đã sử dụng. Trường hợp xấu hơn, chủ thẻ có thể bị liệt vào danh sách nợ xấu, bị hạn chế mở thẻ tín dụng hoặc vay tiền tại các ngân hàng khác.

Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng thường rất cao, có thể lên tới 4%/khoản giao dịch. Vì thế, chủ thẻ rút khoản tiền càng lớn thì phần tiền hao hụt càng nhiều.

Bên cạnh đó, cũng tiềm ẩn rủi ro đánh cắp thông tin: Nếu khách hàng chẳng may bị mất thẻ tín dụng và không kịp thời khóa thẻ, thông tin của chủ thẻ sẽ có thể bị rò rỉ, giả mạo để sử dụng vay vốn hoặc kẻ cắp có thể đóng giả nhân viên ngân hàng để nhắn tin lừa tiền và tài sản.

Ảo tưởng chi tiêu

Thẻ tín dụng còn dễ gây ra “ảo tưởng chi tiêu”: Vì tính tiện lợi và nhanh chóng khi thanh toán, chủ thẻ không quản lý tốt tài chính có thể tiêu xài quá trớn, dẫn đến không thể trả được khoản nợ đúng kỳ hạn, bị tính lãi và cộng dồn lên, ngày càng khó trả.

Trước và trong khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần ghi nhớ những lưu ý khi dùng thẻ tín dụng sau để có trải nghiệm sử dụng tốt nhất và không phát sinh các vấn đề bất cập:

Vấn đề bảo mật và an toàn: Ký đè vào hoặc dùng giấy dán che đi số CVV/CVC ở mặt sau của thẻ, không mua hàng online từ những trang web lạ, báo ngân hàng khóa thẻ ngay khi phát hiện mất thẻ, không cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho người khác, không nhờ người khác thanh toán phí dư nợ thẻ.

Vấn đề thanh toán kỳ hạn: Nên có kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý, không nên sử dụng tối đa hạn mức thẻ, kiểm tra sao kê hàng tháng và hóa đơn thanh toán, thanh toán dư nợ đúng hạn (nên thanh toán trước 2 ngày tránh hệ thống lỗi), thanh toán trong giờ hành chính, không tính cuối tuần/lễ/tết.

Vấn đề phí: Hiểu rõ các loại chi phí khi sử dụng thẻ, nắm rõ về cách ngân hàng tính lãi suất.

Vấn đề thói quen sử dụng: Không tự ý ngừng sử dụng thẻ, hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng, tiêu trước trả sau đã và đang là xu hướng tại Việt Nam và góp phần vào việc tăng thanh toán không tiền mặt đến hơn 50% trong năm 2023. Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích không cần tiền mặt và cũng là một cách xây dựng điểm tín nhiệm của khách hàng.

Để không chậm thanh toán, khách hàng cần thanh toán đúng hạn. Nếu khách hàng muốn biết mình có đang quên thanh toán ở thẻ nào, có nợ xấu ở ngân hàng nào hay không, thì có thể kiểm tra tại đường dẫn https://cic.gov.vn - địa chỉ của trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC hoặc tải ứng dụng iCIC để tự kiểm tra trên di động của mình, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các rủi ro không đáng có, để thẻ tín dụng thực sự là một công cụ tài chính hiệu quả và tăng xếp hạng tín dụng của bản thân với hệ thống ngân hàng.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tìm thấy thi thể 12 thợ mỏ trong vụ nổ mỏ than tại Pakistan
Giới chức Pakistan cho biết có 12 thợ mỏ thiệt mạng và 8 người được cứu sống trong vụ nổ mỏ than tại tỉnh Balochistan ở Tây Nam nước này đêm 19/3.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ nợ 8,5 triệu bị tính lãi hơn 8,8 tỷ: Những điều cần biết khi dùng thẻ tín dụng