Theo dõi trên

Xây dựng đô thị thông minh tại Phan Thiết: Lấy người dân làm trung tâm

04/01/2022, 06:30

BT- Với quyết tâm xây dựng TP. Phan Thiết trở thành đô thị thông minh, đô thị số, đảm bảo sự phát triển bền vững, trong quá trình xây dựng, thành phố xác định lấy người dân làm trọng tâm. Qua đó, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

cau.jpg
Một góc TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Thí điểm 4 lĩnh vực

Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết: Là thành phố nằm ven biển với bờ biển dài 57,40 km, Phan Thiết có khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi. Hiện nay, Phan Thiết đã đầu tư xây dựng các quần thể du lịch - nghỉ mát – thể thao – leo núi – du thuyền – câu cá – đánh golf - nghỉ dưỡng - chữa bệnh tại khu vực phường Mũi Né (TP. Phan Thiết), Hàm Tiến phục vụ du khách và trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, Phan Thiết được công nhận là đô thị loại II vào năm 2009. Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 – 2020, định hướng đến năm 2030, TP. Phan Thiết được định hướng là Đô thị loại I trong giai đoạn đến năm 2025. Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về “Xây dựng Kế hoạch triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2019 - 2025 - tầm nhìn đến năm 2030”. Phan Thiết đã xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả đề án cũng như đã xây dựng kế hoạch về việc triển khai chương trình chuyển đổi số tại TP. Phan Thiết đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quá trình xây dựng Đề án Đô thị thông minh của tỉnh cũng như của thành phố ưu tiên triển khai thí điểm 4 lĩnh vực đó là chính quyền điện tử, du lịch, an ninh an toàn và quy hoạch, quản lý đô thị.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch, Phan Thiết đang gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đô thị, thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan, ban ngành của thành phố và của tỉnh. Các ứng dụng triển khai đến tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng công nghệ hiệu quả trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn thấp, chưa đáp ứng được hiệu quả của đô thị thông minh. Về hệ thống mạng thông tin thành phố, hệ thống máy chủ được đặt tại UBND thành phố, tuy nhiên đã xuống cấp. Nguồn lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vẫn còn hạn chế và khó khăn. Mặt khác, việc triển khai và vận hành các hệ thống CNTT trong quá trình xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi một nguồn nhân lực chuyên trách CNTT lớn cả về số lượng và chất lượng. Đây sẽ là khó khăn cho hầu hết các đơn vị trong công tác triển khai, đào tạo, chuyển giao công nghệ và vận hành hệ thống. Số lượng các dịch vụ được tích hợp còn thấp, căn bản do cơ sở dữ liệu của các đơn vị còn tương đối độc lập. Đặc biệt là các ứng dụng chưa liên thông kết nối với nhau.

Lấy người dân làm trọng tâm

Theo ông Tân, với quyết tâm xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị thông minh, đô thị số, chính quyền thành phố đã có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng các bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn. Trong đó, xác định bám sát định hướng phát triển của Chính phủ, của tỉnh, phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố. Đồng thời, lấy người dân làm trọng tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, Phan Thiết ưu tiên quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; chuyển đổi số, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân. Trong đó, Phan Thiết ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính toàn diện, hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử. Đối với du lịch, triển khai chương trình kết nối du khách thông qua hành trình trước, trong và sau chuyến đi. Áp dụng triệt để công nghệ 4.0 trong ngành du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. Trong nông nghiệp, tăng cường tiện ích, cảnh báo, dự báo và tối ưu hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước trong các chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Không dừng lại, Phan Thiết sẽ xây dựng hệ thống y tế thông minh lấy người dân làm trung tâm. Cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng. Cho đăng ký thời gian khám bệnh và lựa chọn nơi khám bệnh, triển khai ứng dụng số hóa để tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình khám, chữa bệnh, theo dõi bệnh từ xa. Xây dựng và hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Trong lĩnh vực an ninh an toàn, Phan Thiết sẽ phối hợp xây dựng, triển khai trung tâm dữ liệu tích hợp của công an từ cấp tỉnh đến phường, xã, kết nối với trung tâm dữ liệu tích hợp của Công an tỉnh để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành công an. Đồng thời, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị và giữa các ngành, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, an ninh thông tin điện tử và công tác nghiệp vụ khác; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử; kiện toàn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân…

THU HÀ


(3) Bình luận
Bài liên quan
Hội thảo giới thiệu Đô thị thông minh tại TP. Phan Thiết
Chiều 10/12, UBND TP. Phan Thiết phối hợp Cơ quan Thường trú ADB tại Việt Nam; Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu Đô thị thông minh tại TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đô thị thông minh tại Phan Thiết: Lấy người dân làm trung tâm