Đảm bảo nguồn cán bộ thực chất
Tại Đảng bộ huyện Tánh Linh, cán bộ trong quy hoạch được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Ban Thường vụ Huyện ủy cho biết, hàng năm địa phương đã ban hành các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng như: Đào tạo sau đại học, cao cấp chính trị, trung cấp chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 2, 3 đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và cán bộ trong diện quy hoạch. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đã qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đều nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, năng lực công tác, năng lực quản lý và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cử 333 đồng chí tham gia học tập các lớp trong và ngoài tỉnh; 245 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị; 47 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh... Tuy nhiên, Huyện ủy Tánh Linh cũng cho rằng, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa gắn quy hoạch cán bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ; việc bố trí cán bộ nữ giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của huyện còn khó khăn.
Trong khi đó, tại Đảng bộ Công an tỉnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là nền tảng, yếu tố quan trọng để xây dựng lực lượng Công an tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao. Theo đó, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung rà soát xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ có phẩm chất, năng lực và chiều hướng phát triển; cán bộ ở cấp cơ sở, đơn vị trực tiếp chiến đấu và lực lượng điều tra. Công tác quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp đã được thực hiện nghiêm túc, đồng đều ở cả 3 cấp. Kết quả trong năm 2023, đã xây dựng và rà soát, bổ sung quy hoạch tổng cộng trên 2.000 lượt cán bộ trong 2 nhiệm kỳ. Công tác điều động, bổ nhiệm tiếp tục được quan tâm, thực hiện thường xuyên, kịp thời phục vụ yêu cầu kiện toàn, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy. Cũng trong năm 2023, đã điều động, bổ nhiệm 130 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từ cấp phòng, Công an cấp huyện đến cấp đội và Công an cấp xã; tiếp tục duy trì bố trí 100% Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương, không có lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện dư cơ cấu.
Quy hoạch cán bộ theo phương châm “động” và “mở”
Thời gian qua Bình Thuận đã “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”, các mặt công tác cán bộ được chú trọng theo hướng đồng bộ giữa các khâu; tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể: Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt được thực hiện chặt chẽ và đúng quy định với phương châm “động” và “mở”, thực hiện từ dưới lên, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng cho cấp trên, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch, đã kịp thời xây dựng, bổ sung quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, phát huy đúng mức vai trò tham gia thẩm định của các cấp ủy, cơ quan chuyên môn về những vấn đề có liên quan đến cán bộ. Từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/12/2023, đã luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 98 lượt cán bộ giữ các chức danh, chức vụ thuộc diện Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Bên cạnh đó, cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đều được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc tương đương; bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn; được cấp có thẩm quyền thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị bảo đảm đủ điều kiện bố trí vào chức vụ phù hợp; được đánh giá, nhận xét chỉ rõ những mặt mạnh, ưu điểm và những mặt yếu, còn hạn chế và chiều hướng phát triển. Quy trình tuyển chọn, đề xuất, bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình 5 bước, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch.
Thời gian đến, Đảng bộ Bình Thuận tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nghiên cứu tạo sự bứt phá trong công tác cán bộ, chú trọng phát hiện nhân tố trẻ, nhân tố mới, có triển vọng để quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài. Hoàn thành xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ ở các địa phương, đơn vị; tập trung bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch, chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho các nhiệm kỳ sau đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hiệu quả quản lý, điều hành, khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời, Đảng bộ Bình Thuận sẽ chú trọng tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đảm bảo thực chất, hiệu quả. Làm tốt công tác tổ chức thi tuyển công chức, viên chức tập trung; thí điểm thực hiện bổ nhiệm cán bộ qua thi tuyển.
Có thể nói, cán bộ là nhân tố căn bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ luôn được coi là tiền đề, đặt nền tảng cho khâu “then chốt”. Nhiệm vụ này không chỉ là nhận thức mà còn là hành động với quyết tâm chính trị cao, để Bình Thuận từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín theo chủ trương của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của địa phương trong giai đoạn phát triển mới.