Theo dõi trên

Xây dựng nông thôn mới làm đổi thay kết cấu hạ tầng nông thôn

10/10/2018, 09:32

BT - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 đến nay), bằng nguồn vốn Trung ương và tỉnh, Bình Thuận đã tập trung đầu tư phát triển, khởi công, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn và hạ tầng nông thôn, tạo bước đổi mới trong đời sống, sản xuất của người dân…

  Điển hình những thành tựu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh là sự ra đời của các công trình lớn như dự án Phan Rí- Phan Thiết, đập dâng Tà Pao, hồ Sông Dinh, hồ Sông Móng... Đồng thời, ưu tiên đầu tư các kênh nối mạng cấp nước khu vực khô hạn và bãi ngang ven biển, mở rộng diện tích tưới cây trồng lợi thế và kiên cố kênh mương nội đồng. Đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành 12 công trình tạo nguồn (6 hồ chứa, 5 đập dâng và 1 trạm bơm) giúp ổn định trên 19.000 ha khu tưới đã có, mở rộng diện tích 21.930 ha…Việc đầu  tư hạ tầng thủy lợi từng bước tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh tăng từ 83.485 ha (năm 2008) đến nay gần 114.000 ha, bình quân tăng 7,5 %/năm. Song song đó, tiếp tục quan tâm đầu tư các kè biển, kè chống xâm thực, xói lở. Trong đó, đã thực hiện đầu tư gần 14 km kè biển, tăng chiều dài chống sạt lở toàn tỉnh 19,65 km, giúp bảo vệ khu dân cư, khu dịch vụ du lịch cộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng bên trong.

         

Bên cạnh đầu tư thủy lợi, hạ tầng tái định cư nông thôn cũng được triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung mới quy hoạch các khu dân cư tập trung, khu tái định cư nông thôn. Kết quả, đã xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 3 khu tái định cư phục vụ ổn định cuộc sống của các hộ dân cư trú tại vùng có nguy cơ cao về thiên tai trên địa bàn tỉnh, gồm khu dân cư (KDC) Tum Le, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh), KDC Lò To, xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), KDC Suối Giêng, xã Tân Đức (Hàm Tân). Đồng thời đang tiếp tục đầu tư xây dựng 5 khu dân cư vùng thiên tai. Mặt khác, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp theo đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay đã xây dựng được 894,19 km đường bê tông xi măng, tương ứng 872.563 tỷ đồng. Hệ thống đường tỉnh lộ và đường giao thông trong huyện tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, chú trọng việc duy tu, bảo trì, sửa chữa thường xuyên hệ thống đường, cầu, cống thoát nước. Đặc biệt đến nay hệ thống đường huyện, đường đến các trung tâm xã, thôn, xóm cơ bản đã được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm và đường được nhựa hóa, bê tông hóa…

Đáng chú ý, qua hơn 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 96/96 xã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng đang phát huy hiệu quả, mô hình cánh đồng lúa lớn, mô hình trồng bắp trên đất lúa 2- 3 vụ, mô hình sản xuất thanh long VietGAP theo hướng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, cải tạo rõ rệt thu nhập của nông dân; các công trình kết cấu hạ tầng để xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã thực sự phát huy tác dụng, thu nhập bình quân đầu người tăng…

Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn, thách thức hiện nay về đầu tư công tiếp tục thắt chặt, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ gia tăng, mức độ ảnh hưởng do hạn hán, bão lũ… ảnh hưởng lớn đến đời sống, phát triển sản xuất thời gian tới. Do đó, để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp; ưu tiên đầu tư các vùng sản xuất nông lâm ngư; công trình khu dân cư phòng chống thiên tai, kè chống xâm thực… ​​​​​​​​​​​​

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nông thôn mới làm đổi thay kết cấu hạ tầng nông thôn