Thiệt. Thương thiệt. Xong một ngày nơi cơ quan là chỉ muốn ù về nhà, hít cái mùi cỏ cây thơm tho, đón ngọn gió mát rượi da mặt, và, để nghe thanh âm xóm nhỏ. Chẳng hiểu từ bao giờ tôi ghiền nghe thanh âm của cái xóm nhỏ miệt heo hút gió này. Cũng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ tiếng gà, tiếng chó, tiếng chim, tiếng trẻ con đùa nghịch và tiếng gió.
Mỗi một tiếng động đều có cái hay mà phải lắng nghe đi lắng nghe lại từ năm này qua năm khác mới thấy được. Như tiếng gà chẳng hạn. Từ canh ba đã nghe tiếng gà. Mấy con gà trống trong xóm thi nhau gáy le te gọi ngày. Đêm nào khó ngủ, nằm nghe tiếng gà tự dưng thấy ấm bụng. Cảm giác có bầu có bạn. Nghe riết rồi cũng phân biệt được tiếng gà nhà mình với gà ông Mười hàng xóm, gà ông Tư mé đằng tây, hay tiếng gà nhà ông Sáu phía mé mương. Mỗi con gà có một giọng gáy riêng, độ trầm bổng khác nhau. Mấy con gà trống già tiếng gáy trong, dài, cao vút. Còn mấy anh gà trống choai gáy nghe buồn cười, cứ te…te… như con nít thổi kèn lá chuối. Hễ nghe lũ gà thi nhau gáy rộ là biết bốn giờ sáng rồi đó. Cái cữ sớm hơn, lũ gà gáy riêng lẻ chứ không rần rộ thi nhau. Tới chừng nghe gà gáy lẫn tiếng chim chích chích nhộn nhịp thì biết đã năm giờ hơn rồi đó.
Nằm trong mùng, trùm kín chăn cho khỏi lạnh, lắng nghe âm thanh sớm mai, nào gà gáy, nào chim kêu, nào tiếng xe gắn máy, tiếng chó sủa… Đủ thứ âm thanh pha trộn vào nhau náo nhiệt báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cũng thú lắm chớ bộ. Cái thú mà chỉ dân nhà quê mới biết, mới thương, miệt phố thị làm gì thương mấy thanh âm quê mùa này đâu…
Xóm dạo này hết nhỏ. Bao nhiêu căn nhà mới mọc lên san sát nhau. Từ dạo sốt đất, người ta phân lô bán. Người từ miệt nào về cất nhà. Mỗi nhà chỉ cất vỏn vẹn một lô trăm hai mét, cổng cao rào kín. Hàng xóm sát kề nhau mà chẳng nhìn rõ mặt, biết tên gọi, nói chuyện mà lỡ có nhắc tới chỉ nói đại khái nhà sơn vàng, nhà sơn xám, nhà sơn xanh… Thì suốt ngày kín cửa đi làm, tối về lại kín cổng mạnh ai nấy ở có giao du đâu mà biết tên.
Từ hồi đông dân cư lên, xóm bắt đầu xuất hiện những âm thanh mới. Những chiếc loa kẹo kéo hễ trưa trưa là cất tiếng phát nhạc, bolero là chủ yếu. Rồi xế chiều là bao nhiêu giọng ca vàng thi nhau hát karaoke tới tận khuya. Sáng sớm chẳng thể nghe nổi giọng chim chỉ toàn nghe nhạc là nhạc. Chỉ đành chịu đựng chứ biết làm sao được. Những loại hình dịch vụ cũng dân cư của xóm mở ra ngày một nhiều. Quán xá về tận xóm, muốn mua thứ gì chỉ cần đi dăm bước chân đã tới quán. Rồi con đường vô xóm được bê tông hóa láng ót, mưa khỏi lo sình lầy lội nữa. Muốn mua vật dụng gì cũng có xe tải chở ót tận nhà, tiện lợi.
Đầu xóm sát mặt đường nhựa, hai cái bán cà phê bự được khai trương. Cà phê hát với nhau. Chập tối là đông nghẹt khách. Chủ yếu là mấy bà, mấy ông trung trung tuổi. Cũng váy đầm, cũng cà ra vát lên sân khấu cầm míc biểu diễn như ca sĩ. Hát xong có người lên tặng bông. Nhạc sống đàng hoàng chứ không chơi ba cái loa thùng kẹo kéo. Muốn hát bài gì chỉ cần đăng ký, mà phải đến sớm nha, quán chỉ giới hạn đăng ký 30 bài thôi. Bởi vậy chiều chiều là mấy bà mấy ông tranh thủ ăn cơm sớm để ra quán hẹn hò. Riết thành thói quen, thành phong trào. Riết rồi trong mấy cữ trà sớm chỉ toàn nghe kể chuyện tối qua hát với nhau thế này thế nọ.
Đám trẻ chặc lưỡi thôi kệ để cho ba, má đi cho biết, còn sống được nhiêu năm nữa đâu mà cản. Đó cũng là một thú vui chẳng tổn hại gì. Cực khổ cả đời rồi giờ vui được ngày nào thì cứ vui.
Vậy nên xóm nhỏ xập xình từ chập tối. Ếch nhái vẫn kêu mà nghe chẳng được êm tai như hồi xưa. Tối tối là đóng kín cửa để khỏi ồn. Riết rồi chỉ biết đến ti vi, quạt gió. Bữa nào thèm gió đồng ra ngoài hiên nằm chờ đợi, thi thoảng mới có chút gió đưa qua, trộn lẫn cả mùi cống vào. Tự nhiên thấy buồn, thấy nhớ ngọn gió xưa mát rượi mỗi tối, thơm tho mùi cỏ non mới mọc.
Lại ước được về cái thời xóm còn nhỏ, đường còn đất đỏ, gió còn thổi mát rượi từ đồng…