Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến thời điểm này các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tích cực. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm đẩy mạnh; quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT cơ bản theo kịp tiến độ đề ra (đến nay đạt 85,6%).
Công tác triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản (eCDT) có sự tiến bộ rõ nét. Sở Nông nghiệp và PTNT đã bố trí kinh phí, tổ chức mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị (Cảng cá, Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá, Biên phòng) để hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân thực hiện khai báo xuất nhập bến, ra vào cảng qua hệ thống eCDT; tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai hệ thống eCDT tại 4 địa bàn trọng điểm (Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong, Phú quý)/300 người tham dự. Đến nay, các cảng cá đã hỗ trợ ngư dân khai báo ra, vào cảng qua Hệ thống eCDT 4.958 lượt tàu. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được tăng cường. Từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính là 372 vụ/ gần 3 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 258 vụ/965,55 triệu đồng; cơ quan chuyên ngành (Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NN&PTNT) xử phạt 75 vụ/hơn 1,1 tỷ đồng; cấp chính quyền xử phạt 39 vụ/792,5 triệu đồng…
Tại cuộc họp, các địa phương có các ý kiến liên quan đến việc triển khai thực hiện đăng ký tàu cá “3 không”. Việc cấp/cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã đăng ký đến nay thực hiện còn rất chậm, vẫn còn 1.451 tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép. Trong đó, Tuy Phong 337 tàu; Bắc Bình 3 tàu; Hàm Thuận Bắc 1 tàu; Phan Thiết: 437 tàu; Hàm Thuận Nam 21 tàu; La Gi: 410 tàu; Hàm Tân 5 tàu và Phú Quý 237 tàu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các địa phương, đến nay đã hoàn thành 85,6% tổng số tàu cá “3 không” đã công bố (2.531 tàu). Trong đó Tuy Phong là địa phương thực hiện tốt nhất, có trách nhiệm rà soát, hối thúc từng trường hợp tàu cá cụ thể. Đối với nhóm tàu “3 không” có chiều dài từ 12m trở lên còn 228 tàu chưa thể hoàn thành việc đăng ký, là do đang vướng chưa lập hồ sơ thiết kế.
Hiện nay, Trung tâm đăng kiểm tàu cá đã tiếp cận kiểm tra, hướng dẫn thủ tục là 212 chiếc. Qua kiểm tra, 10 tàu đã có hồ sơ kỹ thuật, cụ thể đã cấp 1 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, số còn lại chưa cấp vì tàu hoạt động nghề cấm (lưới kéo) chưa chuyển nghề, tàu đang hoạt động trên biển, tàu chưa được chuyển hạn ngạch vùng khơi... Riêng 202 tàu không có hồ sơ kỹ thuật (hiện nay đã có 189 chủ tàu đã liên hệ đơn vị thiết kế lập hồ sơ), phấn đấu đến cuối tháng 9/2024 sẽ tích cực hoàn thành công tác đăng ký cho nhóm tàu này.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực và kết quả ngành nông nghiệp, địa phương đã đạt được thời gian qua. Về nhiệm vụ sắp tới, yêu cầu các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền chống khai thác IUU cao điểm trong tháng 9, 10. Ngoài ra, căn cứ danh sách nhóm tàu nguy cơ cao, đề nghị các địa phương, ngành chức năng tiếp tục giám sát, theo dõi đặc biệt. Về công tác đăng ký tàu “3 không”, đề nghị UBND Hàm Tân (là địa phương có tỷ lệ đăng ký thấp nhất tỉnh) học tập mô hình của UBND Tuy Phong để hoàn thành sớm việc đăng ký trong tháng 9.
Đối với những tàu “3 không” không chấp hành, lập danh sách tàu cá gửi cho lực lượng chức năng phối hợp phường, xã giám sát, không cho xuất bến đi hoạt động, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, đảm bảo đến 15/9 nhóm tàu “3 không” từ 6 – 12m hoàn thành 100% việc đăng ký.
Riêng nhóm tàu trên 12m – nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, tiến độ thực hiện việc đăng ký còn chậm. Do đó, ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với các sở, ngành rà soát, xử lý từng trường hợp nếu còn vướng.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản eCDT, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hoạt động vừa thực hiện trên giấy lẫn trên thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về VMS, đồng thời biểu dương TP. Phan Thiết là 1 trong những địa phương tiên phong xử lý tàu cá mất kết nối VMS.
Song song đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm khắc phục sửa chữa, hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cảng cá. Trong đó, bàn giao và đưa vào sử dụng công trình Dự án mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi - thị xã La Gi và công trình sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp Bến 200 - 400 CV Cảng cá La Gi trước ngày 30/9/2024…