Theo dõi trên

Ðầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững

25/01/2024, 10:41

Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và luôn được xác định là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của quốc gia, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện tốt công tác dân số là giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

Cải thiện đời sống nhân dân

Theo đánh giá của Sở Y tế, nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản của tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và nhất là sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành; các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã xem công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp với hệ thống làm công tác dân số các cấp để thực hiện truyền thông, tư vấn đến với hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác dân số trong tình hình mới.

Trên cơ sở thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi, cùng với tác động của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, phần lớn người dân đã thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế, quy mô dân số ổn định, giảm tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, gắn với quá trình đô thị hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Có thể thấy, kết quả công tác dân số thời gian qua đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, mức sinh của tỉnh đang giảm, Bình Thuận hiện đang là tỉnh có mức sinh thấp (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, bình quân 1,91 con/phụ nữ); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số địa phương vẫn còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ cấu dân số chuyển dần sang từ dân số vàng sang già hóa dân số, chất lượng dân số còn thấp là thách thức không nhỏ đối với công tác dân số của tỉnh.

z4992731962342_adcfd092452a46dc922af8876662a6ca.jpg
Sở Y tế biểu dương các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái.

Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Trước tình hình đó, Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tập trung vào giải quyết các mục tiêu: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; trong đó, phấn đấu đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số toàn tỉnh dưới 1,287 triệu người vào năm 2025; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 50% vị thành niên và thanh niên mang thai ngoài ý muốn.

Tiếp đến là bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người. Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Nâng cao chất lượng dân số; thúc đẩy phân bổ dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng an ninh. Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển trọng tâm từ Dân số-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về công tác dân số. Bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang sinh đủ 2 con nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và nâng cao chất lượng dân số góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể nhân dân và của cả cộng đồng trong công tác dân số.

Song song là đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; chú trọng đẩy mạnh Chương trình hành động số 41 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt chiến lược và chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

HÀ THU


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Góp phần nâng cao chất lượng dân số
Hiện nay trẻ vị thành niên mang thai là một vấn đề xã hội cần được các bậc phụ huynh cũng như người lớn quan tâm vì trong thực tế đa số các trường hợp này đều xảy ra ngoài ý muốn và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững