Báo chí là một loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội. Thông tin báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng. Qua tác phẩm báo chí, bạn đọc thấy được sự lăn lộn của nhà báo ở nơi khó khăn, vất vả đưa tin, bài, hình ảnh về những gia cảnh khó khăn, người tàn tật, trẻ mồ côi, nơi đang gặp thiên tai… từ đó đón nhận sự ủng hộ rất nhiều cả về tinh thần lẫn vật chất cho từng trường hợp đó. Chẳng ai giao trách nhiệm cho họ, nhưng những người làm báo đều tự rèn cho mình về tâm đức, gạt bỏ mọi mưu toan, cám dỗ, để tâm ngày càng trong sáng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân.
Tuy nhiên trong làng báo vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm cho uy tín báo chí suy giảm trong xã hội và tổn thương danh dự những người làm báo chân chính. Bởi thế, cách đây tròn 1 năm, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, công bố tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo.
Nghe cụm từ “văn hóa trong báo chí” có vẻ rộng lớn, trừu tượng, nhưng tựu trung, để trở thành nhà báo văn hóa, phải hội đủ 3 yếu tố: Có đạo đức nghề nghiệp trong sáng - Thượng tôn pháp luật - Tài năng. Nói như PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thì: “Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật”.
Còn thầy tôi – nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, nguyên Trưởng văn phòng Báo Thanh Niên tại miền Trung, trong những bài giảng trên giảng đường hơn 10 năm trước và cho đến bây giờ, vẫn luôn nhắc chúng tôi về “Luật hấp dẫn”. “Con người ta nghĩ thế nào thì năng lượng vũ trụ hấp dẫn vào mình như thế. Cho nên, phải luôn luôn nghĩ tích cực để có năng lượng tích cực. Và mọi vấn đề nên “phản hồi tích cực”, tức là, phải tìm ra cái tích cực, hướng thiện trong chuyện tiêu cực đó”.
Nếu như trước đây, khi internet, mạng xã hội chưa phát triển, thông tin mà người dân tiếp cận chủ yếu từ 3 kênh: truyền hình, phát thanh, báo in. Vì thế, dễ hiểu khi mọi việc làm và hành động đều được người dân trích “Đài nói vậy”, “Báo viết vậy”… rồi thực hành theo. Người dân cũng là “tai mắt”, từ cái tốt, việc xấu đều gửi gắm đến cơ quan báo chí. Điều đó cho thấy sự tin tưởng của bạn đọc dành cho nhà báo. Tuy nhiên, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ, nhà nhà, người người đều có thể truyền tin buộc báo chí và người làm báo hiện nay phải thay đổi, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao trong mọi hoàn cảnh. Nhưng cho dù thế nào thì báo chí vẫn phải tiếp tục sứ mệnh xã hội, luôn đồng hành với nhịp sống, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu. Tránh tư tưởng phải “đao to, búa lớn”, có nhiều view, thị hiếu giật gân mới là người thành công trong nghề. Hay coi thường tuyến đề tài người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cho rằng tuyến đề tài này không có khả năng thu hút độc giả…
Mỗi sự việc, mỗi nhân vật, câu chuyện đều có thể là chủ đề, đề tài để truyền tải nhiều giá trị thông tin, mang “hơi thở” cuộc sống. Vì thế trong những năm làm nghề, tôi luôn tâm niệm, “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” là trách nhiệm của những người cầm bút, cũng là con đường ngắn nhất đến với trái tim bạn đọc, tạo nên sự đồng thuận, thúc đẩy sự phát triển xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.