Theo dõi trên

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện

29/09/2022, 05:31

Hiệu quả của chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ thể hiện qua diện bao phủ BHYT tới HSSV liên tục tăng trưởng hàng năm, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, mà còn thể hiện ở ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách này trong việc đem lại cho thế hệ trẻ một cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học.

Hưởng nhiều quyền lợi

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm học 2021-2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước với khoảng 18,8 triệu em tham gia được đảm bảo, thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, không may ốm đau, bệnh tật, các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi KCB đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp KCB trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.

Theo đó, HSSV được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính sách BHYT như: được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; được tham gia KCB BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn... Thực tế, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt. Đó là chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch… với chi phí từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Nhờ vào thẻ BHYT, nhiều HSSV và gia đình chủ động về chi phí KCB, vơi đi gánh nặng tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để HSSV yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường.

Trong khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Công tác này tại các trường học chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HSSV đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…).

Trách nhiệm với cộng đồng

Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là nhóm bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của HSSV thông qua việc đóng góp, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật… đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường đại học và HS các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề. Mỗi người cần phải hiểu và nhận thức rõ ràng: BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp… nhằm hướng tới việc bao phủ BHYT toàn dân, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân không vì mục đích lợi nhuận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo và các tầng lớp xã hội.

Có thể khẳng định, chính sách BHYT không chỉ tạo nguồn lực quan trọng trong chăm sóc sức khỏe HSSV mà còn góp phần giáo dục nhân cách cho các em ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vì một nền giáo dục toàn diện, để mọi HSSV đều được chăm sóc sức khỏe ngay từ trường học, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, rất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, mà quan trọng hơn cả chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi HSSV và phụ huynh.

T. MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nằm “top” 3 về chuyển đổi số
BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực để tích hợp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với vị trí top 3 trong bảng xếp hạng 17 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện