Điểm đến hấp dẫn của du khách
Trong phát triển du lịch ở các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. Căn cứ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Bên cạnh đó tỉnh còn đặt ra mục tiêu là phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, là trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng đẳng cấp, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu. Có năng lực cạnh tranh cao, liên kết hiệu quả với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Để du lịch Bình Thuận là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh. Từ các mục tiêu và định hướng phát triển, trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung và đẩy mạnh công tác thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó tập trung vào một số công tác như: Đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng; công tác phát triển sản phẩm du lịch; công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế; công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch và công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Với quyết tâm triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn có những bước chuẩn bị bài bản, tạo nền tảng để phát triển theo đúng định hướng, theo đó cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã được hình thành, bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển, trong đó rõ nét nhất chính là việc đầu tư đưa vào hoạt động các công trình giao thông chiến lược, hạ tầng phục vụ du lịch. Cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh còn đầu tư và đa dạng hóa các loại hình theo hướng đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang đậm nét riêng của Bình Thuận. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển du lịch bốn mùa trong năm, khắc phục yếu tố thời vụ, tỉnh còn xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Theo đó mùa hè là các sản phẩm du lịch hướng tới đối tượng khách nội địa, mùa thu đông tập trung vào dòng khách quốc tế. Từ đó không gian du lịch của Bình Thuận cũng được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, đảm bảo tính bền vững, gắn với các sản phẩm đặc thù và nổi trội.
Đầu tư thêm cơ sở vật chất để đón khách
Theo kế hoạch năm 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu thu hút khoảng 6.720.000 lượt khách, trong đó có 220.000 lượt khách quốc tế với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 16.500 tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận ước đón 7,9 triệu lượt khách (tăng 54,41% so cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế đạt gần 237,7 ngàn lượt (tăng 3,22 lần so cùng kỳ), doanh thu đạt khoảng 20.544,7 tỷ đồng. Riêng trong tháng 11, ước đón 23,5 ngàn lượt khách quốc tế, chủ yếu là các thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ. Để phục vụ tốt cho du khách quốc tế cao điểm cuối năm, nhiều cơ sở lưu trú đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực, đưa ra các sản phẩm mới về ẩm thực, tour… nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Theo dự kiến, hiện nay lượng khách quốc tế đến du lịch Mũi Né vẫn tăng theo từng tháng, nhưng kỳ vọng sẽ đông hơn bắt đầu từ tháng 12 năm nay đến tháng 3 năm sau. Trong dịp này một số cơ sở du lịch tổ chức các chương trình cho du khách quốc tế đón Giáng sinh, năm mới cũng như đã đưa ra nhiều ưu đãi, thiết kế những điểm đến du lịch mới lạ để tặng du khách khi đến nghỉ dưỡng. Ngoài ra, những tháng còn lại của năm 2023 có nhiều sự kiện của Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh” còn thu hút rất nhiều du khách quốc tế nên nhiều resort đã xây dựng chương trình đón Giáng sinh, chào năm mới 2024 để du khách quốc tế có trải nghiệm thú vị. Một số cơ sở lưu trú cho biết, mùa khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10, cao điểm là từ tháng 11 và 12 hàng năm. Để phục vụ khách trú đông năm nay, các cơ sở lưu trú, resort tại địa bàn tỉnh đều chú trọng xây dựng dòng sản phẩm thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư bản địa… Nhận định khách quốc tế năm nay tốt hơn rất nhiều so với những năm trước. Hiện tại, các cơ sở lưu trú đã có nhiều khách quốc tế đặt chỗ, công suất phòng đạt khoảng 50-60%. Một số thị trường khách như Đức, Nga... bắt đầu quay trở lại với số lượng nhiều hơn. Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, tăng cường không gian xanh tạo cảm giác mới mẻ cho du khách, các cơ sở du lịch còn triển khai nhiều sản phẩm du lịch, ẩm thực phù hợp với từng thị hiếu của khách. Để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu, một số cơ sở du lịch có những chương trình ưu đãi cho những khách đến nhiều lần hoặc combo trọn gói, đồng thời thiết kế chương trình ghép tour tham quan các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, khám phá văn hóa bản địa… Lượng khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượt khách quốc tế đến Bình Thuận. Bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm và đầu năm sau, cùng với cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8 vừa qua, du lịch Bình Thuận còn nhiều dư địa để đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.