Theo dõi trên

Bình Thuận hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững

08/09/2022, 05:22

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Trước xu thế phát triển chung, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang phát triển nền kinh tế xanh. Thời gian qua, Bình Thuận cũng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Hành động

Kinh tế xanh được hiểu là sự tăng trưởng thu nhập, việc làm đi cùng với giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải thực hiện 5 giải pháp để phát triển nền kinh tế xanh

Ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh thời kỳ 2012 – 2020 tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ: Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cũng mới đây, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Bình Thuận là tỉnh nằm ở cực Nam vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài 192 km với nhiều thắng cảnh, bãi biển đẹp, có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên. Thực hiện chiến lược của Chính phủ, những năm qua tại Bình Thuận đã từng bước thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại hướng dần tới phát triển xanh, bền vững. Tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế xanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năm 2021, công nghiệp - xây dựng chiếm 35,34%; dịch vụ chiếm 32,92%; nông - lâm - thủy sản chiếm 31,74%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,12%; dịch vụ chiếm 38,22%; nông - lâm - thủy sản chiếm 27,65%. Các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển… Đời sống của người dân được nâng lên.

trang-trai.jpg

Mặt khác, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong đô thị, tỉnh cũng đã chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như các cơ sở thu mua phế liệu... ra khỏi khu vực nội thành. Đồng thời tập trung quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, thu gom rác, nước thải, trên địa bàn tỉnh… Cùng với đó, công tác lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu dân cư mới cũng được tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện theo hướng lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, trong đó tăng tỷ lệ cây xanh, tăng diện tích các khu vui chơi, công viên…

5 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế xanh

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Thuận vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; phát triển chưa nhanh, chưa xanh, chưa bền vững; thậm chí có những tồn tại, yếu kém... Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải làm tốt 5 nhóm giải pháp, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Trong giải pháp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm. Trước hết, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó, việc nào phải xong việc đó. Tập trung thực hiện "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" là các trọng tâm chỉ đạo, điều hành được Chính phủ xác định trong bối cảnh hiện nay...

trong-dua.jpg
Trồng dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: Ngọc Lân

Thủ tướng cũng cho rằng, Bình Thuận cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định (với 3 trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử); nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…).

Có thể nói, trong bối cảnh thay đổi sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực dưới tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của Chính phủ và các địa phương. Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh đang là yêu cầu cấp bách để Bình Thuận phát triển bền vững trong tương lai.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Tân với phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi
Những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” đã được Hội Nông dân các cấp trong huyện chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, hình thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững