Theo dõi trên

Bình yên nơi chùa Bình Sơn

13/06/2013, 07:51

BT- Theo một con đường khá dễ đi chạy lên ga Mương Mán không xa từ quốc lộ 1 vào rẽ tay phải với những vườn thanh long xanh mượt là đến chùa Bình Sơn hay còn gọi là chùa Sắc Tứ Bình Sơn thuộc thôn Phú Phong,  xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Chùa cách Phan Thiết khoảng 15km về hướng Tây.

Chùa do dân làng tạo dựng từ xưa (không rõ năm nào). Khởi nguyên chùa được cất bằng tranh, vách ván và được vua Gia Long ban Sắc Tứ.

Theo tục truyền, khi vua Gia Long tẩu Quốc có ghé lại ngôi chùa này nên khi lập Quốc, vua nhớ ơn do đó ban Sắc Tứ và tặng cho chùa một pho tượng Phật cao 0,8 m và một tượng Hộ Pháp cao 0,6 m bằng đồng. Đến năm Tân Dậu, chùa được trùng tu lợp ngói âm dương gồm 2 tòa nhà, trước là tòa chánh điện, sau là nhà Tổ. Xưa kia chánh điện thờ 3 pho tượng Tam Thân, tả hữu thờ Tổ Đạt Ma và Quan Thánh, Hộ Pháp. Sau này chánh điện được sửa sang lại. Chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca, tầng kế thờ Tây Phương Tam Thánh, tầng dưới thờ 3 pho tuợng Tam Thân, tả hữu thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng, hai bên đối diện thờ Quán Thánh, Tiêu Diện Đại Sĩ và Hộ Pháp, phía sau chánh điện là bàn Tổ, thời Tổ Đạt Ma, Tổ Hữu Đức và long vị các Hòa Thượng. Chính giữa điện Phật trên cao có bức hoành phi ghi “Sắc Tứ Bình Sơn Tự” tạo năm Tân Dậu. Như vậy khi trùng tu chùa, Phật tử dâng cúng bức hoành phi này. Trước chánh điện có 2 câu liễu được khắc vào cột ghi:

“Hoàng đồ vĩnh cố bát phương lạc nghiệp công qui y

Phật nhựt Tăng huy Tứ hải an hòa hàm khổ thử”.

Tạm dịch: “Cơ đồ Hoàng đế vững bền tám phương lạc nghiệp đều qui y.

Ánh sáng Tam Bảo rực rỡ bốn biển an hòa chung đảnh lễ”.

Năm 1942, trụ trì chùa là Thượng Tọa Không Khoa Minh Phú, đến năm 1980 Thượng Tọa Minh Phú viên tịch. Hiện nay chùa do Sư Không Cảnh trông coi. Năm 1998 Sư Không Cảnh xây Quan Âm Các và xây dựng thêm 2 tòa nhà, trùng tu lại chánh điện, nhà hậu. Phía nhà hậu thờ tiền hiền và Chư Tiên Linh. Bên cạnh chùa còn có một ngôi tháp nhỏ 2 tầng, ngôi mộ tháp này chính là của Ngài Tánh Đức Minh Nghĩa Đại Sư.

Đại đức Không Cảnh, tự là Minh Ngộ dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu từng chi tiết về ngôi chùa yên tĩnh này. Điều làm chúng tôi ấn tượng là trong ngôi chùa cổ này có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ như đã nói ở trên. Chỉ tiếc là theo như Đại đức Không Cảnh nói: “Chùa có nhiều cổ vật có giá trị nhưng bị trộm lấy mất, nhất là những pho tượng bằng đồng. Tính ra chùa có 17 pho nhưng mất hết giờ chỉ còn có 5 tượng trong đó có 2 bằng đồng, còn là tượng bằng gỗ quý”. Qua trò chuyện Đại đức cho biết thêm, trong các năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, thôn Phú Phong đã bị giặc bắt buộc “dồn dân lập ấp”. Toàn bộ thôn Phú Phong bị dồn cư về “ấp đời mới” có hàng rào kẽm gai, chông, mìn và chiến hào bao quanh. Chùa Bình Sơn cũng cùng chung số phận, bỏ hoang từ đó. Thượng tọa Thích Minh Phú, trụ trì chùa quyết tâm không từ bỏ ngôi chùa đã gắn bó cuộc đời ông và nhân dân trong vùng bấy lâu nay, nên cố bám chùa,  nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Chùa Bình Sơn trở thành văn phòng chi bộ Đảng và là trạm xá cứu chữa thương bệnh binh của một “mũi” cách mạng do ông Đặng Văn Hải (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) làm mũi trưởng, kiêm Bí thư chi bộ. Các chiến sĩ cách mạng đã đào hầm bí mật “nằm vùng” tại dưới chánh  điện của chùa để hoạt động ngay trong lòng địch…

Điều đáng quý là từ một ngôi chùa cổ bị bỏ hoang một thời gian, Phật tử của chùa rất đông đã góp phần xây dựng thêm các cảnh quan xung quanh chùa thật đẹp, nhưng phần chánh điện và chùa Tổ vẫn giữ nguyên trạng. Ngoài việc các Phật tử và du khách xuyên đến chùa, nhà chùa còn là tổ ấm cho hàng trăm lượt người lang thang cơ nhỡ đến ăn ngủ. Có người qua đời nhà chùa cũng vận động chôn cất đàng hoàng. Chùa dành hẳn một gian nhà khá rộng rãi cho những người lang thang cơ nhỡ trú thân. Họ ăn sáng tại chùa xong đi cả ngày, tối về ngủ. Hiện nay trung bình mỗi năm chùa dành khoảng 2 tỉ đồng để làm công tác từ thiện cho đồng bào vùng sâu vùng xa, xây nhà tình thương, đóng góp bếp ăn từ thiện…

Với những gì đã ghi nhận ở ngôi chùa hiền hòa này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên quan tâm đến việc bảo tồn giữ gìn những nét đẹp văn hóa, lịch sử của chùa Bình Sơn, nhất là việc bảo quản những pho tượng quý còn lại không bị mất cắp nữa.

Vũ Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình yên nơi chùa Bình Sơn