Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thời gian qua lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức đến ngư dân. Chỉ trong tháng qua, Biên phòng tỉnh đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền với hơn 1.300 lượt ngư dân tham gia. Nội dung tuyên truyền chủ yếu liên quan hoạt động khai thác hải sản xa bờ, các nhóm ngành nghề có nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU. Qua tuyên truyền, 55 chủ thuyền đã ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển.
Bên cạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam tăng cường nắm tình hình, xử lý các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới biển. Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên bờ, trên biển, bãi ngang. Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, kiểm tra các phương tiện có nguy cơ vi phạm cao, trọng tâm là tàu thuyền khai thác xa bờ… Nhờ vậy đến thời điểm này, hầu hết ngư dân trong tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; chấp hành nghiêm quy định về hoạt động khai thác hải sản trên biển; tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS). Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong tổng số 1.961 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã đăng ký, có 1.929 tàu cá đã lắp đặt VMS (đạt trên 98%), trong đó có 40/42 tàu cá chiều dài từ 24m trở lên và 1.889 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp chống khai thác IUU, nhưng từ đầu năm đến nay Bình Thuận có 1 vụ/1 tàu cá với 7 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Ngoài ra, qua kiểm tra vẫn còn một số trường hợp thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá. Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa chấp hành nghiêm quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng khi khai thác hải sản xa bờ. Vì thế, nỗ lực chống khai thác IUU chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, để tháo gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều đáng quan tâm, nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” mà còn bị “phạt thẻ” đỏ thì đời sống của nhân dân sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương có biển. Bởi ở tuyến biển, hầu hết bà con sống bằng nghề khai thác hải sản. Do đó, bằng mọi biện pháp phải làm cho ngư dân thấy được trách nhiệm của mình, để từ đó khai thác hải sản đúng quy định, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt cá xa bờ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, với trách nhiệm của mình thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai công tác nắm tình hình; quản lý chặt chẽ các tàu cá neo đậu, ra vào hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu cá hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Duy trì có hiệu quả hoạt động các “Tổ thuyền đoàn kết”; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tàu cá không có đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị đảm bảo an toàn, tàu cá có biểu hiện nghi vấn vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định khi hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng và thông qua hệ thống VMS nắm tình hình trên biển để kịp thời phát hiện xử lý và tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản. Phối hợp với địa phương, các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu chủ thuyền, thuyền trưởng lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình; không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản…