Các quyết định và sắc lệnh của Tổng thống Nga được đưa ra theo lời đề nghị của Người đứng đầu hai khu vực ly khai Donestk và Lugansk và đánh giá tình hình của phía Nga. Họ cũng cho rằng, Ukraine đã chọn giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông và đang được phương Tây hậu thuẫn lớn về vũ khí quân sự. Sau quyết định của Nga, pháo hoa đã được bắn trên bầu trời Donestk và Lugansk ngay trong đêm. Người dân ra đường hò reo ăn mừng, cảm ơn sự hỗ trợ của Nga.
Trái ngược với khung cảnh đó, tại Kiev, mọi thứ đều rất cẳng thẳng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phải triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh khẩn cấp.
Ông Zelenskiy cũng vừa có bài phát biểu trước người dân về tình hình, cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền lãnh thổ: “Chắc chắn Ukraine coi các hành động của Nga là sự vi phạm chủ quyền toàn vẹn của lãnh thổ Ukraine. Tất cả trách nhiệm về hậu quả của những quyết định này thuộc về giới cầm quyền Nga. Việc công nhận Donetsk và Lugansk có nghĩa là Liên bang Nga đơn phương rút khỏi các thỏa thuận Minsk và không quan tâm đến các quyết định được đưa ra ở định dạng Normandy. Điều này gây nguy hiểm cho tất cả các nỗ lực hòa bình và phá hủy các hình thức đàm phán hiện nay. Với quyết định mới, Nga đã hợp pháp hóa việc đưa quân đội Nga vào khu vực”, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.
Ngay sau quyết định của Tổng thống Nga, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhanh chóng yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây cũng là yêu cầu của 3 nước Anh, Pháp và Mỹ.
Tại cuộc họp vừa diễn ra sáng nay theo giờ Việt Nam, tức đêm qua theo giờ Mỹ, Đại diện các nước đã đề cập nhiều đến những quy định của thỏa thuận Minsk, vi phạm của các bên trong suốt thời gian qua, đồng thời thảo luận về quyết định mới nhất từ phía Nga. Đại diện các nước phương Tây, gồm Mỹ, Pháp đã chỉ trích việc Nga có kế hoạch đưa quân “gìn giữ hòa bình” vào các khu vực ly khai của Ukraine, gọi điều này là vô nghĩa. Trong khi, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây căng thẳng. Đại sứ Trung Quốc cũng mong muốn các bên liên quan tiến hành hiệp thương đối thoại, đưa ra phương án hợp lý nhằm giải quyết ổn thỏa mối quan tâm của nhau.
Lãnh đạo các nước như Đức, Anh, Gruzia, Rumani, Áo, Moldova, Nhật Bản cũng đã ngay lập tức phản đối quyết định của Nga. Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, bước đi của Nga đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Các quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn và thống nhất nhằm vào các cá nhân, thực thể liên quan.
Trước đó, đêm 21/2, sau khi ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trên truyền hình dài 55 phút trước người dân. Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine bấy lâu nay vi phạm thỏa thuận Minsk và không quan tâm đến giải pháp hòa bình, buộc Nga đưa ra quyết định như vậy.
“Chúng tôi thấy rằng chính quyền Ukraine liên tục công khai rằng họ không muốn tuân thủ thỏa thuận Minsk để giải quyết xung đột. Họ không quan tâm đến giải pháp hòa bình. Nga đã làm mọi cách để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong suốt những năm qua. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần phải đưa ra một quyết định lâu dài: công nhận ngay độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Tôi yêu cầu Quốc hội Liên bang Nga ủng hộ quyết định này và sau đó phê chuẩn hiệp ước hữu nghị và tương trợ với cả hai nước cộng hòa này. Chúng tôi yêu cầu những người có trách nhiệm, nắm quyền ở Kiev phải chấm dứt ngay các hoạt động chiến đấu. Nếu không, mọi trách nhiệm về việc có thể tiếp tục đổ máu sẽ hoàn toàn thuộc về lương tâm của các nhà cầm quyền Ukraine”, Tổng thống Putin phát biểu.
Ông Putin cũng nhắc lại việc các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình”./.