Con đường mòn cũ đã được gộp vào GCNQSDĐ của một số hộ dân và bị rào lại. |
Đường đi chung thành… đất riêng?
Trước đây, Báo Bình Thuận có bài viết “Cả thôn khổ vì chôn người chết vội vàng”, phản ánh mỗi lần vào mùa mưa, việc đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng tại thôn Dân Thuận gặp nhiều khó khăn. Để đến được khu nghĩa địa này vốn có 2 con đường. Đường thứ nhất phải đi qua một con suối, nước cạn thì được chứ mùa mưa, nước dâng cao là “bó tay”. Con đường thứ 2 gần hơn, dễ đi hơn nhưng nay đã nằm trọn trong đất cấp cho 4 hộ: ông Nguyễn Viết Thông, ông Phan Phúc Long (mua lại đất ông Thông), bà Nguyễn Thị Trúc Hiền, ông Nguyễn Văn Dũng nên bị ngắt quãng mất đoạn giữa khoảng hơn 300m. Vậy là cứ mỗi khi mùa mưa đến, việc đưa người quá cố qua con đường thứ nhất lại phải căn để tránh thời điểm nước dâng cao. Ban điều hành, các đoàn thể và nhân dân trong thôn rất bức xúc về vụ việc, yêu cầu chính quyền địa phương sớm khôi phục lại con đường cũ để người dân chủ động trong việc đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời thuận tiện trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân, nhưng sự việc cứ kéo dài mãi vẫn chưa được giải quyết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại tờ bản đồ địa chính – tờ bản đồ số 10 thôn Dân Thuận tỉ lệ 1:2000, xã Hàm Thạnh được Công ty TNHH đo đạc địa chính và công trình Lâm Ninh Bình đo đạc năm 2006, theo hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm đo đạc xác lập, có thể hiện con đường đi từ bờ Kênh bắc đến nghĩa địa Láng Mười Quý (con đường thứ 2 vào nghĩa địa). Bên cạnh đó, rất nhiều người dân, trong đó có ông Nguyễn Minh Hà, nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Hàm Thạnh cũng quả quyết: Con đường này đã có trước giải phóng, là đường mòn đi lại của người dân hồi xưa.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2005, một số hộ dân có đất 2 bên con đường này đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và được UBND huyện Hàm Thuận Nam đồng ý cấp giấy. Nhưng trong quá trình khảo sát, đo đạc không hiểu sao UBND huyện đã cấp luôn cả diện tích một đoạn dài khoảng 300m của con đường này vào GCNQSDĐ cho những hộ trên? Trong quá trình sử dụng, những hộ này đã tiến hành sang, nhượng, mua bán cho một số hộ khác, dần dần con đường chung biến thành đất riêng. Đỉnh điểm của sự việc được phát hiện khi hộ ông Nguyễn Hữu Đủ đã tiến hành rào con đường này trên đất cấp cho ông Nguyễn Viết Thông (ông Thông là con rể ông Đủ), không cho xe tải của ông Long đi vào nhà (chòi rẫy) từ năm 2013, đồng thời khiến việc đi vào khu nghĩa địa của người dân trong thôn bị cản trở.
Hướng giải quyết nào cho thấu tình, đạt lý?
Trước những bức xúc, kiến nghị của ông Phan Phúc Long và ông Nguyễn Văn Sáu – Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Dân Thuận đã viết “Đơn kiến nghị” về việc lấy lại con đường và nghĩa địa, ngày 20/6/2014. Cơ quan chức năng huyện đã nhiều lần tiến hành họp bàn với dân để tìm hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xong. Được biết, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Chánh Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UNBD xã Hàm Thạnh mở lại con đường vào nghĩa địa thôn Láng Mười Quý theo hai phương án. Phương án 1: Khôi phục lại con đường cũ bằng cách thu hồi lại diện tích đã cấp sai cho các hộ trước đây. Phương án 2: Mở một đường đi theo hướng khác. Tuy nhiên, phương án này không được nhân dân đồng tình. Theo ông Huỳnh Văn Hiệp - Trưởng thôn Dân Thuận, con đường cũ là con đường ngắn nhất đi từ kênh xuống nghĩa địa, hiện chỉ liên quan đến 4 hộ thì 3 hộ đã nhất trí trả lại đường. Đối với hộ còn lại chỉ thu hồi sổ điều chỉnh hiện trạng là xong. Còn ông Trần Văn Phước – Bí thư chi bộ thôn cho rằng, nếu mở đường theo phương án 2 lại phải vận động người dân hiến đất làm đường mới, trong khi đường cũ có thì lại bị lấn chiếm. Điều đó là quá vô lý và vô tình hợp thức hóa cho cái sai của những năm trước.
Việc xử lý vụ việc kéo dài một phần do trải qua nhiều đời lãnh đạo xã, huyện và sang nhượng đất qua lại của người dân, đồng thời việc kiểm tra, xác minh, đo đạc thực địa cần nhiều thời gian… Mong rằng UBND huyện Hàm Thuận Nam sớm giải quyết dứt điểm cho thấu tình đạt lý, vì lợi ích chung của cả cộng đồng dân cư.
TrẦn Đình